Hà Nội hỗ trợ người nghèo khôi phục sản xuất (Bài 1 - Chính sách đúng và trúng)

25/11/2021
(VBSP News) Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế thành phố Hà Nội quý III.2021 giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn là vậy nhưng cấp ủy, chính quyền Thủ đô vẫn dành 500 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH thành phố để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; nâng tổng nguồn vốn ủy thác năm 2021 lên 1.050 tỷ đồng. “Đây thực sự là chính sách trúng lòng dân và đúng thời điểm, giúp người lao động kịp thời phục hồi sản xuất, kinh doanh...”, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết khẳng định.
ha noi 1

Phó Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết (giữa) cùng cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chính sách

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã làm gì để tạo thêm nguồn vốn hỗ trợ người lao động nghèo vượt qua khó khăn, thưa ông?
Trả lời: Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều bị đình đốn do dịch bệnh, do giãn cách, khiến cuộc sống của lao động, nhất là lao động nghèo đã khó lại càng thêm khó.
Trước tình hình đó, chi nhánh NHCSXH thành phố đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính và các sở, ngành của thành phố tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn để cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vay sau khi tình hình dịch được kiểm soát; giúp người dân tổ chức lại SXKD.
Ngay khi nhận được đề xuất, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4029/QĐ-UBND ngày 26.8.2021 về việc bổ sung nguồn vốn ủy thác 500 tỷ đồng và Quyết định số 4280/QĐ-UBND ngày 28.9.2021 về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh để cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Chúng tôi xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vì nó bắt nguồn từ nhu cầu cấp thiết của người dân. Do đó, toàn chi nhánh tập trung triển khai tuyên truyền và lập tức giải ngân tới người lao động.
Phóng viên: Tiến độ giải ngân đã triển khai đến đâu, thưa ông?
Trả lời: Như trên tôi đã nói, ngày 4.10.2021, ngay sau khi nhận nguồn vốn của thành phố ủy thác sang, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã, hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức công tác bình xét, rà soát hộ vay bảo đảm theo đúng thứ tự ưu tiên về đối tượng và ngành nghề được vay vốn. Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân, làm sao đến khách hàng một cách sớm nhất giúp bà con có vốn để tổ chức lại hoạt động SXKD. Đến nay, chúng tôi cũng đã giải ngân được gần 484 tỷ đồng cho gần 10 nghìn người lao động để SXKD.
Phóng viên: Xin ông cho biết, nguồn vốn đã giúp người lao động vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh như thế nào?
Trả lời: Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội: Trước khi được ủy thác nguồn vốn này, chúng tôi đã cùng với các sở, đặc biệt là Sở LĐTB&XH, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, tổ chức khảo sát về nhu cầu vay vốn và ảnh hưởng của COVID-19 tới các hộ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tổng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đối tượng khách hàng của NHCSXH là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người yếu thế trong xã hội; khả năng chống đỡ rủi ro thấp, nên khi bị tác động họ sẽ là những người bị tổn thương sớm nhất và sâu nhất. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã khiến tình hình sản xuất, kinh doanh bị đình đốn, thu nhập giảm, thậm chí không có thu nhập đã ảnh hưởng các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình, triệt tiêu khoản tiết kiệm vốn đã ít ỏi.
Khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tương đối, người dân bắt đầu có thể quay lại để tổ chức sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất họ gặp phải đó chính là vốn. Nguồn vốn thành phố ủy thác sang chi nhánh đã giúp các đối tượng mua sắm các vật tư, trang thiết bị, sửa sang lại cửa hàng để tổ chức buôn bán, kinh doanh dịch vụ trở lại. Riêng với các hộ sản xuất nông nghiệp, nguồn vốn giúp bà con tái đàn chăn nuôi hoặc đầu tư vào giống, phân bón…
Ghi nhận qua các cán bộ tín dụng tại các xã, phường trên địa bàn Thủ đô cho thấy, đến thời điểm này, các hộ được giải ngân nguồn vốn đã khôi phục hoạt động SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đời sống của các hộ vay đã dần ổn định và người lao động yên tâm sản xuất, kinh doanh; dốc sức cùng thành phố phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội.
Xin cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện

Các tin bài khác