Vốn vay chính sách giúp nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

25/11/2021
(VBSP News) Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tạo điều kiện cho một số hộ nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng thay cho phương pháp sản xuất truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
nghe an

Mô hình mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng của anh Nguyễn Văn Danh

Thực tế, để xây dựng được một nhà màng đạt yêu cầu đòi hỏi kinh phí từ 200 - 400 triệu đồng, đây là một số tiền không nhỏ đối với nhiều hộ nông dân. Với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, nguồn vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đàn đã giúp nhiều hộ vay vốn có thêm nguồn lực đầu tư, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình có mô hình trồng dưa lưới, rau ,củ, quả, hoa trong nhà màng của gia đình anh Nguyễn Văn Danh - hội viên nông dân ở xóm 4, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn.
Xuất thân từ một nông dân, gắn bó với cây lúa, cây ngô nên kinh tế gia đình không mấy phát triển. Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Danh đã tìm hiểu và học tập thực tế tại các mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả trong nhà màng trên địa bàn huyện và nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện kinh tế gia đình. Với bản tính siêng năng, dám nghĩ, dám làm, anh đã bàn với vợ xây dựng nhà màng.
Tuy nhiên, vốn đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ cao là khá lớn, anh đã rất trăn trở bởi kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Được Hội Nông dân xã Nam Nghĩa tư vấn, hỗ trợ anh Danh đã làm hồ sơ vay vốn Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đàn với tổng số tiền 100 triệu đồng. Cộng với số vốn tự có của gia đình, anh Danh đã mạnh dạn xây dựng nhà màng với tổng diện tích 1.000m². Năm đầu tiên áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng nên anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm sản xuất dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Không chịu lùi bước, hai vợ chồng anh Danh cùng tìm tòi, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ những mô hình nhà màng có hiệu quả cao tại các địa phương khác. Sau 2 năm xây dựng, mô hình sản xuất dưa lưới, rau củ quả trong nhà màng của gia đình anh Danh đã mang lại thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Ngoài trồng dưa lưới, dưa chuột, mướp đắng, gia đình anh còn trồng thêm các loại hoa cúc, cây chuỗi ngọc nhằm tăng thêm thu nhập. Là một hộ cận nghèo, nhờ có nguồn vốn vay NHCSXH đã giúp cho gia đình anh Nguyễn Văn Danh thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhiều người trong địa phương đã đến tham quan, học hỏi mô hình của gia đình, anh Danh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Đây cũng chính là mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng đầu tiên của xã Nam Nghĩa, Huyện Nam Đàn.

Bài và ảnh Hồ Hòa

Các tin bài khác