Nghệ An đưa vốn chính sách lên vùng biên
Trong những năm qua, huyện đã lồng ghép các chương trình, xây dựng được nhiều mô hình, vận động nhân dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội
Với tập quán sinh hoạt cũng như lao động sản xuất của người dân Quế Phong là làm nương rẫy, manh mún, dựa vào thiên nhiên nên việc đưa KHKT vào sản xuất là việc không thể trong một sớm một chiều.
Để đưa khoa học đến với người dân thì chính quyền địa phương đã cử những cán bộ có trình độ chuyên môn và biết tiếng dân tộc thiểu số đến từng thôn bản để tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân. Bên cạnh đó, các hội đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên của mình tự tin, mạnh dạn đầu tư, vươn lên thoát nghèo.
Đi đầu là Huyện đoàn phát động đoàn viên thanh niên cùng với các Đoàn xã thành lập các HTX nông nghiệp, dịch vụ do thanh niên làm chủ. Được Huyện đoàn và các ngành giúp đỡ, quảng bá, HTX đã liên kết với các địa phương tiêu thụ sản phẩm, từ đó thu nhập xã viên khá lên, mô hình được nhân rộng ra các địa phương khác. Từ các mô hình thành công huyện Đoàn tổ chức rút kinh nghiệm, động viên Đoàn viên thanh niên mạnh dạn vay vốn sản xuất, phong trào lan tỏa ra nhiều thôn, bản.
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Huyện đoàn với NHCSXH huyện về Chương trình cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hiện Quế Phong có 12/13 Đoàn xã, thị trấn đang quản lý nguồn ủy thác từ NHCSXH với 56 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.143 hộ vay. Huyện có 43 mô hình kinh tế thanh niên, trong đó có 16 mô hình thu nhập ổn định, trên 100 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu mô hình nuôi gà, kết hợp thả cá của anh Quang Văn Trung (xã Nậm Giải) mỗi lứa 1.000 con gà và 1.500m2 ao thả cá. Mô hình nuôi dúi của anh Lữ Văn Luân (xã Cắm Muộn) thường xuyên trong chuồng có tổng đàn 70 con trở lên, trung bình mỗi năm thu về trên 150 triệu đồng. Mô hình nuôi trâu vỗ béo, dê thương phẩm của anh Vi Văn Hùng, Lô Văn Nghĩa (thị trấn Kim Sơn) thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.
Tiếp đó, là các hội viên nông dân huyện Quế Phong cũng mạnh dạn vay vốn chính sách ưu đãi để làm kinh tế. Ông Đinh Đăng Bình (trú tại xóm Hải Lâm 1, xã Quế Sơn) là một hộ nghèo, sau khi nghe phổ biến các chính sách cũng như các cách làm mới ông bàn cùng vợ vay vốn NHCSXH về khoan giếng, trồng rau, trồng mía rồi phát triển chăn nuôi bò, lợn thịt.
Từ 2 con bò, nay gia đình đã có cả đàn, mỗi năm bán 5 con thu nhập cả trăm triệu đồng từ chăn nuôi. Từ đó, gia đình ông thoát nghèo, con cái có điều kiện học tập, còn có vốn giúp đỡ bà con xung quanh cùng làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Hay như gia đình anh Lương Văn Pháo (trú tại bản Quanh, xã Châu Thôn) thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình cũng mạnh dạn vay vốn chính sách 30 triệu đồng về chăn nuôi dê, bò sinh sản. Sau gần 3 năm anh thoát nghèo có tiền sửa sang lại nhà cửa, đầu tư vào trồng cây rừng. Từ mô hình anh Pháo được Hội Nông dân huyện nhân ra nhiều gia đình.
Từ nguồn tín dụng ủy thác của NHCSXH, Hội Phụ nữ huyện cũng xây dựng được nhiều mô hình SXKD giỏi. Nguồn tín dụng của NHCSXH huyện thực sự “bà đỡ” giúp người dân huyện Quế Phong vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trao cơ hội thoát nghèo cho người dân
Tính đến 31.8.2021, doanh số cho vay từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quế Phong đạt 95 tỉ đồng; doanh số thu nợ đạt 69 tỉ đồng, đưa tổng dư nợ ủy thác đạt 395 tỉ đồng, tăng 27 tỉ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 7,3%, chiếm tỷ trọng 98,7% tổng dư nợ. Với 10.220 hộ đang còn dư nợ, 267 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bình quân mỗi khách hàng có dư nợ 38,6 triệu đồng, bình quân dư nợ tổ 1.479 triệu đồng.
Trong đó, dư nợ Hội Nông dân đạt 110 tỉ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ ủy thác, tăng 1.016 triệu đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 1%; Hội Phụ nữ 108 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 27,4% tổng dư nợ thông qua ủy thác, tăng 709 triệu đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 0,6%; Đoàn Thanh niên đạt 82 tỉ đồng, chiếm 20,6% tổng dư nợ ủy thác, tăng 19 tỉ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 30%. Doanh số thu lãi đạt 18 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 99% lãi phát sinh phải thu theo kế hoạch đề ra.
Khẳng định những kết quả quan trọng của nguồn lực tín dụng chính sách đem lại cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền chia sẻ: Tín dụng chính sách hoạt động chịu nhiều tác động tiêu cực của các yếu tố khách quan, tuy nhiên bằng các giải pháp kịp thời, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Cùng với các nguồn vốn tín dụng khác trên địa bàn, vốn vay từ NHCSXH cũng là một kênh tín dụng quan trọng, nhất là đối với huyện nghèo Quế Phong, trao cơ hội cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.
Bài và ảnh Hải Hưng - Ngô Toàn
Các tin bài khác
- » Kon Plông phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp phụ nữ nâng cao thu nhập
- » Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với doanh nghiệp và người lao động
- » Đào tạo trực tuyến “Tài chính xanh thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
- » Từng bước giảm nghèo ở Đắk Lắk
- » Vốn tín dụng chính sách: “Bà đỡ” xóa nghèo cho người dân vùng khó
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ trẻ
- » Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ trong đại dịch COVID-19
- » Nguồn vốn chính sách giúp hộ nghèo phát triển kinh tế