Từng bước giảm nghèo ở Đắk Lắk

24/09/2021
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH đã trở thành “bà đỡ”, tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Đắk Lắk được vay vốn tín chấp, đầu tư phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo.
vov

Hàng nghìn hộ nghèo DTTS được vay vốn phát triển sản xuất

Ông Trần Đình Ý ở thôn Ea M’Thar 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đưa chúng tôi ra thăm vườn táo trong khu nhà lưới của mình. Ông Ý dành một nửa của khu vườn rộng 8.000m² để làm nhà lưới trồng táo. Táo được trồng trong nhà lưới không bị sâu bệnh, nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này khiến năng suất vườn cây tăng, mà tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng. 

Ông Ý cho biết, vụ năm ngoái bình quân mỗi cây táo thu được 100kg quả, thương lái vào mua tận vườn với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, mỗi gốc táo ông thu lãi 1 triệu đồng. Có được vườn táo này là nhờ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Buôn Đôn. Cùng với vườn táo, ông Ý còn có vốn để trồng bưởi da xanh, cà phê và hồ tiêu, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, nên đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. “Được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH, tôi đã đầu tư hệ thống nhà lồng, nhà lưới này để trồng vườn táo. Cho đến hôm nay thì thấy hiệu quả rất cao. Chỉ trong một năm, tôi đã có thể trả tiền vay của ngân hàng với số vốn vay ban đầu. Tôi trồng được 4 năm rồi, tính ra mỗi gốc đạt 1 triệu đồng/năm”, ông Ý chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Ý đã xây được ngôi nhà kiên cố, cũng đã mua được dàn máy vi tính cho con gái vừa vào lớp 6, học trực tuyến. Dẫu chưa giàu có, nhưng cuộc sống được như hôm nay là điều mà ông chưa bao giờ mơ.

Ông Đào Danh Canh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ea M’Thar 3, xã Ea Nuôl cho biết: Tổ của ông có 40 thành viên. Họ là những hộ nghèo, cận nghèo không có tài sản để thế chấp với các ngân hàng khác để vay vốn đầu tư sản xuất. Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay NHCSXH mà các hộ gia đình này có điều kiện từng bước giảm nghèo. Trong 40 thành viên tổ vay vốn, hiện đã có 4 gia đình đã thoát được nghèo, họ đã trả hết vốn vay. Bà con được nhận tiền vay về để đầu tư vào trồng cà phê và tiêu, chăn nuôi bò và dê rất hiệu quả. Bà con thoát được nghèo, một số hộ đã trả được tiền gốc cho ngân hàng.

Chị H’Ly Kbua ở Buôn Ko Edung A, năm nay 31 tuổi. Lập gia đình đã gần 10 năm nhưng do thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của vợ chồng cứ chật vật trong ngôi nhà tềnh toàng. Cách đây 5 năm, được vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng, chị H’ Ly đã mua cây cà phê về trồng và mua 2 con bò giống về nuôi. Nay dẫu vẫn thuộc diện hộ nghèo, nhưng cuộc sống của gia đình chị đã không còn cảnh túng thiếu như trước kia.

“Hiện nay, gia đình tôi có 8 con bò, tôi đã bán 3 con được 23 triệu và hiện tại vẫn còn 5 con. Tôi xin cảm ơn Đảng, nhà nước đã tạo điều kiện và giúp đỡ tôi được vay vốn phát triển kinh tế và có cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị H’Ly Kbua nói.

Bà H’ Nhát Byă - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Ko Edung A cho biết: Tổ của bà có 70 thành viên. Tất cả các tổ viên đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích là mua phân bón chăm sóc cây trồng, mua bò giống về chăn nuôi. Chưa có trường hợp nào chậm trả lãi vay hàng tháng cả.

“Hiện nay, người dân ở tổ của tôi được vay vốn NHCSXH. Nhà nước đã tạo điều kiện và cấp vốn cho người dân mua bò, mua heo, trồng cà phê. Mỗi gia đình ở đây nuôi ít nhất từ 3 đến 4 con bò, họ cố gắng nuôi và vay thêm vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tạo điều kiện và cấp vốn nhiều hơn để bà con có vốn làm ăn, dần dần xoá đói giảm nghèo”, bà H’ Nhát Byă tâm sự.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Buôn Đôn Võ Khắc Huy cho biết: Hiện tại, có 9.480 hộ, trong đó 4.900 hộ DTTS, được vay tín chấp với số tiền 342 tỉ đồng. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả xoá đói giảm nghèo, nên số nợ xấu, nợ quá hạn chỉ 236 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,6 %. Hầu hết các đối tượng này có nợ quá hạn đều bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Phòng giao dịch có nhiều biện pháp để giảm khó khăn cho khách hàng bằng cách gia hạn nợ, cho vay lưu vụ. Nếu như trường hợp bất khả kháng thì chúng tôi có thể khoanh nợ lại cho họ theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, đề nghị với ngân hàng cấp trên là tăng thêm nguồn vốn vì trước tình hình khó khăn như vậy thì người dân rất cần nguồn vốn này.

Bài và ảnh Lê Lãm

Các tin bài khác