Nguồn vốn chính sách chung sức xây dựng nông thôn mới
Hỗ trợ đồng bào, đẩy lùi tín dụng đen
Chi nhánh đã tham mưu để các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy vào cuộc rất nhanh chóng, vai trò chỉ đạo của cấp ủy trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại địa phương nâng cao, phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Nhờ đó, nguồn vốn địa phương ủy thác bổ sung trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 35,7 tỉ đồng, nâng tổng số vốn ủy thác lên 197,6 tỉ đồng. Nguồn vốn địa phương hòa nhập với vốn Trung ương đạt 3.163 tỉ đồng.
Đến 31.8.2021, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 21.806 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay. Trong đó, 2.933 lượt hộ nghèo, 2.242 lượt hộ cận nghèo, 1.871 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn, 6.435 hộ sống ở vùng nông thôn cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới 10.038 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 5.829 hộ SXKD tại vùng khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất.
Đặc biệt, hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng đã tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay cơ bản có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn đã có tác động kép. Đến nay, có 93.037 hộ còn dư nợ, trong đó hộ đồng bào DTTS là 29.502 hộ, chiếm 76,82% tổng số hộ đồng bào trong toàn tỉnh.
Chi nhánh cũng thực hiện nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ SXKD lên 100 triệu đồng, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định và góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen tại địa phương, nhất là khu vực khó khăn của tỉnh.
Đồng vốn nhỏ tạo nên những thay đổi lớn
Trong giai đoạn 2016 - 2021, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp 13.847 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm và duy trì, mở rộng việc làm cho 6.184 lao động (43 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); 3.912 HSSVcó hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 65.350 công trình nước sạch, vệ sinh; 1.871 căn nhà ở cho hộ nghèo; góp phần giúp cho 31.134 lượt hộ cư trú tại các xã vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn phục vụ nhu cầu SXKD, hoạt động thương mại trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã khu vực khó khăn, giảm khoảng cách phát triển giữa các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với đơn vị còn lại trong tỉnh.
Một hoạt động mang nhiều ý nghĩa được chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt là tổ chức giao dịch cố định tại xã để cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, thể hiện rõ việc xã hội hóa tín dụng chính sách vì mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 1.565 Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc sự quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Tất cả 71 xã phường trong toàn tỉnh đều có Điểm giao dịch của NHCSXH.
Giao dịch xã của NHCSXH còn giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiết giảm chi phí, nơi người vay được giao dịch trực tiếp với NHCSXH theo lịch giao dịch định kỳ và cũng là nơi niêm yết công khai chính sách tín dụng và đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng để người dân biết, cùng giám sát.
Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đến 31.8.2021 là 3.131 tỉ đồng với 93.037 hộ đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách phần lớn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng ưu tiên tập trung vốn cho hộ nghèo là đồng bào DTTS, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp người dân có vốn để sản xuất, cải thiện cuộc sống, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện nhiệm ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, ở các vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động đa chiều vào đời sống người dân, từ cơm ăn áo mặc nhà cửa đến việc học hành… Dòng chảy miệt mài của từng đồng vốn chính sách đã làm thay đổi bền vững nhiều cuộc đời, vun lên những niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp trên vùng đất cao nguyên này.
Bài và ảnh Thế Hiếu
Các tin bài khác
- » Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Tiếp sức cho nông dân Minh Hoá vươn lên làm giàu
- » Chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách trong mùa dịch
- » Điểm tựa cho phụ nữ nông thôn trong đại dịch
- » Nắm chắc địa bàn, giúp dân vay vốn thuận lợi
- » "An cư lạc nghiệp" từ nguồn vốn chính sách
- » Đồng hành tiếp sức HSSV nghèo đến trường
- » “Cánh tay” nối dài trong thực hiện tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách - “Chìa khoá” thoát nghèo ở Hoà Bình
- » Huyện miền núi Nghệ An giảm nghèo nhờ nguồn vốn chính sách