Nắm chắc địa bàn, giúp dân vay vốn thuận lợi
Nắm chắc từng địa bàn
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp hiện có 202 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Trong số này, có 197 tổ hoạt động tốt. Theo ông Mai Văn Nam - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp, việc kiện toàn hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn được đơn vị thực hiện hàng năm. Thông qua công tác này, những tổ yếu kém, Phòng giao dịch phân tích nguyên nhân còn tồn tại, từ đó có phương án xử lý cụ thể. Đối với những tổ hoạt động khá, tốt, Phòng giao dịch khen thưởng kịp thời, nhân rộng mô hình cho các tổ khác làm theo.
Cùng với kiện toàn hoạt động, Phòng giao dịch còn trang bị kiến thức cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua tập huấn chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ quản lý vốn, các tổ ngày càng hoạt động hiệu quả. Đây là hệ thống quan trọng làm “cầu nối” mang nguồn vốn của Nhà nước đến với người dân. Tổ tiết kiệm và vay vốn còn giúp NHCSXH sâu sát cơ sở để kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của bà con. Đến hết tháng 8.2021, toàn huyện Đắk R’lấp có hơn 9.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, với dư nợ trên 383 tỉ đồng. Các hộ gia đình đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Tại huyện Đắk Glong, cùng với kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn, quy trình vay vốn luôn được Phòng giao dịch NHCSXH huyện xây dựng theo hướng thuận lợi cho người dân. Mỗi khách hàng vay vốn, NHCSXH sẽ cấp một sổ vay vốn, với mã số khách hàng sử dụng trong suốt quá trình vay. Cuốn sổ này, có đầy đủ các thông tin khách hàng nên sẽ thay thế tất cả các loại giấy tờ, biểu mẫu phải kê khai để vay vốn như trước đây.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong K’Ngai cho biết: “Với việc cắt giảm này, những thủ tục không cần thiết sẽ được ngân hàng chúng tôi tối giản. Từ đây, người dân sẽ được tiếp cận vốn một cách nhanh nhất và hiệu quả”.
Bà Lê Thị Nhân ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong vừa được vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Theo bà Nhân, toàn bộ thủ tục, hồ sơ đều được Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn. Gia đình không phải thế chấp tài sản bảo đảm cho ngân hàng. “Gia đình nhận được vốn vay nhanh lắm. Từ lúc được xem xét, làm hồ sơ đến khi ngân hàng giải ngân chỉ chưa đầy 1 tuần. Thời điểm dịch bệnh khó khăn, nguồn vốn vay kịp thời, giúp chúng tôi đầu tư kịp vụ mùa”, bà Nhân chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Đắk Nông hiện có 1.562 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động, tăng 2 tổ so với đầu năm 2021. Trong đó, có 1.411 tổ xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 90,3%; 121 tổ xếp loại khá, chiếm 7,7%; 30 tổ xếp loại trung bình. Không có tổ nào xếp loại yếu kém.
Có cơ chế phối hợp chặt chẽ
Để nguồn vốn Nhà nước đến tận tay người dân, vai trò của chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp rất quan trọng. Hiện nay, nguồn vốn NHCSXH ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác là hơn 3.000 tỉ đồng. Trong đó, Hội Nông dân gần 820 tỉ đồng; Hội Phụ nữ 867 tỉ đồng; Hội Cựu chiến binh 700 tỉ đồng; Đoàn Thanh niên 675 tỉ đồng.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Nguyễn Tiến Hà cho biết, đối với các đơn vị nhận ủy thác, NHCSXH phối hợp mở các lớp tập huấn nghiệp vụ. Nhiều chuyên đề về chất lượng tín dụng, giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng… được chi nhánh triển khai thường xuyên đến các cấp hội. Các đơn vị nhận ủy thác đã chủ động kế hoạch kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng nhận ủy thác trên địa bàn.
Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương sở tại các Điểm giao dịch xã vào ngày cố định. Tất cả các hoạt động cho vay, thu lãi, nợ gốc, gửi tiết kiệm đều được thực hiện tại Điểm giao dịch xã.
Thông qua hoạt động giao dịch, NHCSXH còn tổ chức họp giao ban với địa phương để đánh giá hoạt động cho vay trong tháng. Nhiều khó khăn, vướng mắc sẽ được các bên tham gia tháo gỡ ngay tại đây. Đến nay, 71/71 xã, phường đều có điểm giao dịch hoạt động hiệu quả. Tính đến hết tháng 8.2021, toàn tỉnh có gần 68.100 hộ dân được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua chi nhánh NHCSXH tỉnh, với tổng dư nợ trên 3.100 tỉ đồng.
Bài và ảnh Nguyễn Lương
Các tin bài khác
- » "An cư lạc nghiệp" từ nguồn vốn chính sách
- » Đồng hành tiếp sức HSSV nghèo đến trường
- » “Cánh tay” nối dài trong thực hiện tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách - “Chìa khoá” thoát nghèo ở Hoà Bình
- » Huyện miền núi Nghệ An giảm nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người nghèo trong mùa dịch
- » Tặng 1.000 suất quà cho lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội
- » Tín dụng chính sách giúp bà con vùng cao Bắc Kạn vượt nghèo
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở xã Chí Đạo
- » Vay vốn ưu đãi nuôi bò, nông dân nghèo vượt khó