Nông dân Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
Những ngày trung tuần tháng 8, đến xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, nơi đây, người dân tộc Vân Kiều sinh sống ở các bản nằm sát bìa rừng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân Trần Đại Nghĩa cho biết: “Bà con Vân Kiều nay không sống nương nhờ vào rừng nữa, họ đã mạnh dạn vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn của để, từng bước phát triển kinh tế”.
Vượt qua nhiều cung đường đèo dốc, chúng tôi đến được nhà anh Hồ Nam, sinh năm 1980, người dân tộc Vân Kiều, ở bản Khe Ngang, gia đình anh là một điển hình SXKD giỏi của địa phương. Thời điểm đó, anh Hồ Nam đang đi cạo mủ cao su trong vườn, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hoan cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện cận nghèo của xã, cuộc sống lúc đó chỉ biết vào rừng đốn gỗ, săn thú. Từ năm 2015, biết không thể dựa mãi vào rừng để sống, tôi bàn với chồng chuyển qua trồng trọt, chăn nuôi, rồi hai vợ chồng lên hỏi chính quyền địa phương cách thức vay vốn để tạo sinh kế. Sau đó, gia đình tôi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của NHCSXH huyện Quảng Ninh và vay được 30 triệu đồng. Có vốn trong tay, hai vợ chồng mua cây cao su về trồng trên diện tích 12ha vườn đồi của gia đình và mua 2 con bê cái về nuôi”.
Sau nhiều năm trồng trọt, chăn nuôi, hiện 12ha cây cao su của gia đình anh Nam đã cho mủ, hằng ngày, hai vợ chồng đều vào vườn để cạo mủ cao su mang đi bán. Bên cạnh đó, từ 2 con bê ban đầu, đến nay, gia đình anh có 11 con bò và nuôi thêm 25 con lợn. Mỗi năm, gia đình anh Nam thu lãi từ việc bán mủ cao su, bán bò, bán lợn lãi hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, năm vừa rồi, gia đình anh được UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Cũng là người dân tộc Vân Kiều như anh Hồ Nam, anh Hồ Minh ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân cho biết: “Tôi học hết lớp 9, rồi vào Sài Gòn làm công nhân, làm được bao nhiêu tiền là tiêu hết, không có dành dụm. Đến năm 2010, tôi khăn gói về quê lập nghiệp. Gia đình tôi là người dân tộc Vân Kiều, cuộc sống rất khó khăn. Khi tôi ở Sài Gòn về nói với ba mẹ ở nhà lập nghiệp, ba đưa tôi 400 nghìn đồng. Đó là số tiền ít ỏi ba mẹ dành dụm nhiều năm trời mới có. Sau đó, tôi cất một cái lều sống tạm và trồng cây keo trên khu đất 10ha của ba mẹ”.
Thời gian sau, được sự giúp đỡ từ chính quyền xã Trường Xuân, anh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Quảng Ninh. Có tiền trong tay, anh mua 10 con trâu cái thả vào rừng. Vài năm sau, đàn trâu của anh Minh đẻ lứa đầu tiên và anh bán 5 con nghé, số tiền bán được anh dùng để đào ao rộng 60m2 và thả 1.000 con cá trắm, cá mè, cá rô phi. Sau đó, anh tiếp tục bán nghé và mua 15 con dê về nuôi trong vườn.
Theo anh Hồ Minh, 10ha cây keo anh trồng năm 2010 đến nay đã bán được 2 lần, mỗi lần bán thu về gần 500 triệu đồng/10 ha. Bên cạnh đó, anh thả 20 con trâu trong rừng, mỗi năm anh bán 3 con cho lãi hơn 100 triệu đồng. Còn đàn dê, mỗi năm thu nhập từ tiền bán dê được 30 triệu đồng. Anh Minh cũng dự tính xuất bán 1.000 con cá các loại trong thời gian tới. Hiện nay, thu nhập của gia đình anh đạt 200 triệu đồng/năm. Anh đã xây dựng một ngôi nhà khang trang và 1 quán tạp hóa để vợ anh bán hàng. Người dân trong bản ai muốn nuôi trâu, dê, cá đều được anh Minh hướng dẫn tận tình.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tích cực, chủ động phối hợp với NHCSXH hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn ưu đãi của Chính phủ để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn. Nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của NHCSXH không chỉ giúp hội viên, nông dân trong tỉnh Quảng Bình giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả mà còn giúp cho cán bộ Hội Nông dân sâu sát hơn với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi qua NHCSXH cũng giúp Hội Nông dân thu hút thêm hội viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.
Bài và ảnh Tuấn Huy
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở vùng đất hiếu học Quỳnh Lưu
- » Hà Nội giải ngân hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68
- » Thanh Hoá giải ngân vay vốn theo Nghị quyết 68
- » Hỗ trợ người lao động doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh
- » Hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm
- » “Bà đỡ” cho nông dân vùng khó khăn
- » Vốn chính sách thức dậy miền quê khó Phú Giáo
- » Khi nguồn vốn ưu đãi đến kịp thời
- » Đồng hành cùng người dân thoát nghèo
- » Nguồn vốn huy động từ xã hội góp phần thay đổi diện mạo nông thôn