Hỗ trợ người lao động doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh

10/08/2021
(VBSP News) Thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hoà Bình đã gấp rút triển khai khâu tuyên truyền về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
hoa binh

Chi nhánh tỉnh Hoà Bình đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Tại các trụ sở Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn đều treo băng rôn, phát tờ rời, dán quy trình hướng dẫn để đông đảo doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng lao động nắm rõ. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hoà Bình thực hiện tập huấn nghiệp vụ cho vay đối với chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tới toàn thể cán bộ trong chi nhánh.

Về hạn mức cho vay mỗi lao động được vay tối đa 3 tháng theo mức lương tối thiểu của từng vùng với thời gian được vay là 11 tháng với lãi suất 0%. Đối với khu vực thành phố Hoà Bình, mỗi lao động bị nghỉ việc, người sử dụng lao động có thể vay 3.430.000 đồng/lao động/tháng. Với thời gian hưởng chính sách tối đa 3 tháng, người sử dụng lao động được vay gần 10,3 triệu đồng cho mỗi lao động. Ở các huyện trên địa bàn tỉnh, theo quy định mức lương tối thiểu vùng là 3.070.000 đồng, người sử dụng lao động có thể vay tối đa 9,21 triệu đồng/ lao động.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 3.015 doanh nghiệp với số lao động trên 72.430 lao động. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là 12 doanh nghiệp. Hiện có 9 doanh nghiệp dừng hoạt động và 75 doanh nghiệp người lao động phải nghỉ việc bởi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Để đẩy nhanh hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, chi nhánh tỉnh Hoà Bình đã liên hệ trực tiếp đến gần 980 doanh nghiệp trên địa bàn thông tin về chính sách cho vay không lãi suất hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, toàn tỉnh đã có 10 doanh nghiệp đăng ký vay vốn và quan tâm tìm hiểu đến chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trong đó, có 3 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ chờ cấp vốn và sẽ được giải ngân trong thời gian tới (Công ty Cổ phần Điện tử viễn thông Thành Biên với 88 lao động bị nghỉ việc, đề nghị vay 785 triệu đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn IDB với 12 lao động nghỉ việc, đề nghị vay trên 116 triệu đồng và Công ty Cổ phần Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp với 50 lao động nghỉ việc, đề nghị vay số tiền trên 470 triệu đồng); 2 doanh nghiệp đang làm thủ tục và 5 doanh nghiệp đang tìm hiểu quy trình, thủ tục.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và ngay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, việc triển khai nghiêm túc, kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động có ý nghĩa hết sức cấp thiết, nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống, an toàn cho người lao động trong tỉnh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Việc triển khai thực hiện các chính sách cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất toàn hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị liên quan.

Đồng thời, phải có phương thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời, thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động được hưởng chính sách; đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Các Sở, ban, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người lao động, người sử dụng lao động và người dân biết, hiểu rõ chủ trương, chính sách, đối tượng được hỗ trợ. Tập trung rà soát, lập danh sách đối tượng hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Sau khi có quyết định hỗ trợ, cần nhanh chóng chi hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng.

Minh Hoa

Các tin bài khác