Vốn nhỏ giúp đồng bào xây cơ nghiệp lớn

12/07/2021
(VBSP News) Từ một vùng đất khó khăn của Tây Bắc, nay cái tên Mộc Châu (Sơn La) đã trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch và phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao của vùng và cả nước. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, song với tiềm năng, lợi thế đã gây dựng được, cùng sự tiếp sức của đồng vốn chính sách, chắc chắn sẽ giúp Mộc Châu xóa sạch hộ nghèo, cùng đồng bào các DTTS trên địa bàn xây dựng cuộc sống mới hạnh phúc, phồn vinh.
Bai Moc Chau

Vốn chính sách góp phần làm nên thương hiệu nông sản Mộc Châu

Cán bộ không quản ngại
Giám đốc NHCSXH huyện Mộc Châu Nguyễn Thế Cần chia sẻ, gần 20 năm xây dựng và phát triển, kể cả lúc lũ quét, giá rét, hay dịch Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống SXKD của đồng bào nhưng từ cán bộ tín dụng chính sách đến từng hộ dân đều nỗ lực vượt qua, không hề quản ngại, chùn bước trước khó khăn. Cán bộ trong đơn vị kiên trì bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách, sắp xếp, củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn chính sách kịp thời đầu tư phát triển SXKD.
Nhờ thế, tăng trưởng dư nợ đến 30/6/2021 của NHCSXH huyện Mộc Châu đạt 355 tỷ đồng, với 8.477 hộ vay vốn. Cùng với đó, hệ thống Điểm giao dịch cũng đã phủ kín 15 xã, thị trấn, giúp cho NHCSXH huyện thực hiện tốt công tác “3 đúng”: Đúng đối tượng, đúng quy định và đúng địa điểm.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Vàng A Thào cho biết, Tân Lập vốn rất khó khăn, cả xã có hơn 2.300 người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 19 bản, tiểu khu. Từ khi NHCSXH huyện Mộc Châu lập Điểm giao dịch tại xã, đồng bào dân tộc ít người trong xã được thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư kịp thời vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, khai thác mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng, cá bè. Các đối tượng chính sách đã sử dụng 28,7 tỷ đồng vốn ưu đãi, đầu tư trồng 818ha ngô lúa, thâm canh 471ha chè sạch theo công nghệ VietGAP, phát triển đàn trâu bò gần 3.000 con… Cuộc sống nơi vùng cao Tây Bắc đã thực sự khởi sắc.
Đồng bào có ý thức vươn lên
Đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh phấn khởi, sử dụng vốn vay hiệu quả vào SXKD, cải thiện cuộc sống, chăm lo việc học hành cho con em mình. Nhờ vay vốn 90 triệu đồng của 2 chương trình tín dụng chính sách, ông Lường Văn Quang ở bản Hoa 1, xã Tân Lập, đã khai hoang mở đất, đào mương dẫn nước ngọt về tưới tắm cho 3,5ha ngô lai, thu hoạch đạt 12 tấn/ha.
Hay tại Chiềng Khừa - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, khó đi nhất, kinh tế kém phát triển nhất cũng đã có bước khởi sắc với nguồn vốn vi mô. Xã có 782 hộ nhưng có đến 1/2 hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Vì thế, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp đặc biệt quan tâm. Gia đình anh Lường Văn Liên và chị Hoàng Thị Lá ở bản Phách, xã Chiềng Khừa là một ví dụ. Vốn là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất nhưng được NHCSXH huyện Mộc Châu cho vay 76 triệu đồng để trồng chanh leo trên diện tích hơn 3.000m². Đến nay, anh chị đã có 6 triệu đồng/tháng tiền lãi từ thu hoạch chanh leo.
Việc lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn lực nói chung và tập trung huy động nguồn vốn tín dụng chính sách nói riêng, đã tác động tích cực đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương. Qua đó, giúp phát triển nuôi cá lồng thuộc địa bàn các xã vùng lòng hồ sông Đà, làm 249 lồng cá, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 150 lao động người dân tộc thiểu số 2 xã Tân Hợp, Quy Hướng; phát triển cây ăn quả đối với các xã biên giới, trồng mới 1.764ha cây ăn quả. Đặc biệt, chủ trương phát triển cây chanh leo đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 700 lao động người dân các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Thời gian tới, để đưa Mộc Châu phát triển bền vững và giàu mạnh, lãnh đạo và nhân dân toàn huyện mong muốn NHCSXH tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn, đổi mới công tác đầu tư, ưu tiên cho vay có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ đắc lực kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên cao nguyên Mộc Châu.

Bài và ảnh Văn Giang

Các tin bài khác