Nguồn vốn tín dụng qua NHCSXH TP Hà Nội sẽ góp phần tạo việc làm ổn định cho 31.000 lao động/năm

06/07/2021
(VBSP News) Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố, giai đoạn 2021 - 2025.
ha noi

UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng mục tiêu cụ thể từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025

Theo đó, Kế hoạch hướng tới tập trung nguồn lực từ ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng mục tiêu cụ thể từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Về chỉ tiêu, nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH thành phố năm 2021 đã được bổ sung sang NHCSXH thành phố là 550 tỷ đồng và sẽ bổ sung giai đoạn 2022 - 2025 là 2.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm bổ sung 500 tỷ đồng.
Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của thành phố được triển khai thực hiện theo nguyên tắc đối tượng cho vay là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Về việc làm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH từ nguồn ủy thác của ngân sách Thành phố sẽ góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định bình quân cho 31.000 lao động/năm, tương đương 19% chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố hằng năm giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, năm 2021, thu hút, tạo việc làm ổn định cho khoảng 25.100 lao động; năm 2022 là 28.000 lao động; năm 2023 là 31.000 lao động; năm 2024 là 34.000 lao động; năm 2025 là 37.000 lao động.
Về chỉ tiêu chất lượng tín dụng, tỷ lệ thu nợ/nợ đến hạn tại NHCSXH thành phố tối thiểu đạt 98%; nợ quá hạn duy trì ở mức dưới 0,05%.
Về chỉ tiêu giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 cơ bản thành phố Hà Nội không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
UBND thành phố chủ trương tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cơ quan liên quan và mọi tầng lớp nhân dân trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa hoạt động tín dụng chính sách trở thành công cụ hữu hiệu cho cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Huy động, tập trung các nguồn lực xã hội về một đầu mối là NHCSXH, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách ổn định, bền vững. UBND thành phố và quận, huyện, thị xã quan tâm bố trí ngân sách hằng năm chuyển qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay giải quyết việc làm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách của Chính phủ và thành phố Hà Nội để mọi người dân trên địa bàn đều hiểu và tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.
Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động ủy thác vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội, chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Gắn việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, an sinh xã hội cũng như các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm SXKD tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét giải quyết những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách…

Phương Vân

Các tin bài khác