Hà Nội hỗ trợ người nghèo khôi phục sản xuất (Bài cuối - Giúp người dân tạo sinh kế, ổn định cuộc sống)

25/11/2021
(VBSP News) Sau hơn 1 tháng triển khai cho vay 500 tỷ đồng mà UBND TP Hà Nội ủy thác sang chi nhánh NHCSXH thành phố để cho vay phục hồi sản xuất, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã phát huy tác dụng, trở thành “phao cứu sinh”, giúp nhiều người dân tái sản xuất, chuyển đổi và đa dạng mô hình SXKD, tạo sinh kế và ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.
ha noi 2

Nhờ được tiếp vốn kịp thời, xưởng nhôm kính của anh Lê Văn Bằng (bên trái) ở thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn đã hoạt động bình thường trở lại

Giúp lao động chuyển đổi việc làm
Gia đình chị Đỗ Thị Mai Hương, 38 tuổi ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn vốn là gia đình thuần nông, quanh năm làm ruộng và chăn nuôi lợn nái, gà. Những năm gần đây, để gia tăng thu nhập cũng như có điều kiện chăm sóc con cái, chị Hương đi làm công nhân được 6 triệu đồng/tháng. Song mới vừa đi làm được 6 tháng thì dịch COVID-19 bùng phát, công ty gặp khó khăn, nên phải kết thúc hợp đồng lao động.
Nghỉ ở nhà hơn 2 tháng, không có thu nhập, chị Mai Hương quyết tâm không đi làm công nhân nữa, ở nhà chăn nuôi lợn, gà, bò, trâu, bò, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, sau thời điểm COVID-19, ai cũng khó khăn nên chuyện vay mượn bà con họ hàng để mở rộng sản xuất là điều không khả thi. Không có vốn, với quy mô chăn nuôi hiện tại khó có thể bảo đảm thu nhập và trang trải trong gia đình, thế nên, được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phục hồi SXKD đúng thời điểm, chị Hương đã mua được một cặp bò cái, bò giống vừa đa dạng hóa mô hình chăn nuôi, ổn định cuộc sống trong tương lai.
Một trường hợp khác ở thôn Vệ Ninh, xã Phù Linh là gia đình anh Đinh Hoàng Gia cũng phải buộc phải từ bỏ công việc nhân viên tiếp thị chuỗi thức ăn chăn nuôi với thu nhập 15 - 20 triệu/tháng vì dịch bệnh. Được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục khó khăn do COVID-19 của thành phố, anh Đinh Hoàng Gia cũng quyết tâm chọn lựa chăn nuôi bò làm kế sinh nhai khi dịch bệnh còn phức tạp. Đến nay, anh Gia đã bắt đầu quay trở lại công việc tiếp thị thức ăn chăn nuôi nhưng thu nhập giảm một nửa.
“Tuy nhiên, 2 cặp bò từ nguồn vốn NHCSXH đã trở thành một khoản tiết kiệm cho gia đình nhỏ 4 người của tôi”, anh Gia nói.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Linh đánh giá: Nguồn vốn đã giúp cho người lao động bình tâm vượt qua đại dịch, khôi phục SXKD; là công cụ giúp chính quyền ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, không để phát sinh hộ nghèo. Đến thời điểm này, số hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,49% trên tổng số hộ trên địa bàn xã.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, nguồn vốn mà thành phố ủy thác sang NHCSXH thành phố đã hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch. Riêng dư nợ của gói 500 tỷ đồng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 51%. Hiện, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, nhu cầu vốn giải quyết việc làm của người lao động vẫn tiếp tục gia tăng.
Góp phần ổn định trật tự xã hội
Không chỉ giúp các hộ dân có cơ hội chuyển đổi, mở rộng mô hình SXKD, nguồn vốn 500 tỷ đồng còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, góp phần ổn định an sinh và trật tự xã hội địa phương.
Hộ vay Lê Văn Bằng ở thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, kinh doanh cửa nhôm kính và nghề mộc. Khi thành phố thực hiện Chỉ thị số 16, gia đình anh chấp hành tạm dừng hết hoạt động, 4 anh em làm công cho xưởng mộc của gia đình anh cũng nghỉ việc ở nhà. Đến nay, khi tình hình dần ổn định hơn, anh muốn quay lại sản xuất bình thường như lúc đầu nhưng vốn không có. Chính bởi vậy, việc được chính quyền địa phương, NHCSXH cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn từ ngân sách đại phương ủy thác đã giúp anh có nguồn vốn để giải quyết khó khăn, đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm nguyên vật liệu.
Với các đơn hàng ngày càng nhiều, không chỉ gia đình anh được cải thiện nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống mà hiện còn đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập khoảng 12 triệu đồng/người/tháng. “Nếu không có nguồn vốn này thì cơ sở vẫn tiếp tục dừng hoạt động”, anh Bằng tâm sự.
Hộ vay Đào Văn Tình, thôn Cả, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 phải dừng sản xuất 3 tháng, khiến 4 lao động làm công thường xuyên phải nghỉ việc. Hàng chưa thu nợ được, trong khi nguồn vốn mới không có nên việc khôi phục sản xuất khó khăn. Vì vậy, nguồn vốn vay NHCSXH tháng dịp tháng 10, đã giúp anh Đào Văn Tình mua nguyên vật liệu, tiếp tục làm tủ gỗ và giường theo đơn đặt hàng của khách hàng. Anh Đào Văn Tình chia sẻ thêm, có vốn đã quý, quý hơn là thủ tục vay vốn đơn giản, không mất phí, chỉ 3 - 4 ngày đã nhận được nguồn vốn vay. Chính vì vậy, xưởng của tôi đã mau chóng ổn định sản xuất trở lại; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức lương 300 nghìn đồng/ngày.
Anh Đào Văn Minh, người làm thuê cho anh Tình phấn khởi chia sẻ, sau 3 tháng ngừng việc không có thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn, bức bối. “Nay, xưởng hoạt động trở lại, tôi được đi làm và thu nhập tương đương trước dịch nên cả gia đình đã bình tâm hơn”, anh Minh nói.
Mức vay chỉ 50 triệu đồng, thời hạn 2 năm có thể là ít so với nhu cầu thực tế. Song, trong bối cảnh nhà nhà cần vốn sản xuất, người người cần vốn để tạo và chuyển đổi việc làm, gói ủy thác 500 tỷ đồng của cấp ủy, chính quyền Thủ đô đặc biệt được người dân quý trọng và đón nhận.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác