Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 (Kỳ 1 - Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp)
Vay vốn “Hai không”
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam tích cực bám sát doanh nghiệp để triển khai gói hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất nhằm giúp cho người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, duy trì sản xuất. Đến nay, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã có người sử dụng lao động được vay vốn mang lại niềm vui cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Liên tiếp trong các năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho SXKD, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hay cho công nhân làm việc luân phiên để vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất; đầu vào nguyên liệu thiếu thốn, đầu ra - lưu thông thị trường thắt chặt, khó khăn chồng chất khó khăn.
Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cùng các ngành quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam đã tích cực triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp để cùng thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất”. Bắt đầu từ tháng 7.2021, chi nhánh triển khai thực hiện chính sách vay vốn hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại COVID-19 theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn đã giúp cho người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn về tài chính, có tiền để trả lương cho công nhân trong thời gian tạm ngừng việc hoặc khi phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực du lịch lữ hành, nên năm 2021, Công ty TNHH Thương mại du lịch Đức Ngọc Sơn (TP Phủ Lý) gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ xe chở khách các loại phải dừng hoạt động. Đơn vị chỉ duy trì 2 xe chạy hợp đồng cho doanh nghiệp, nhưng việc cũng không đều. Khó khăn quá, doanh nghiệp phải để phần lớn lao động tạm ngừng việc làm. Ông Đỗ Tiến Sơn (Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đức Ngọc Sơn) cho biết: Nói là nghỉ tạm thời, nhưng cũng không biết là nghỉ đến bao giờ? Hiện doanh nghiệp chỉ duy trì 2 xe chạy hợp đồng cho doanh nghiệp. Số lao động còn lại thì phải thay nhau người nghỉ, người làm nên rất khó khăn.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam Trần Quốc Hoàn cho biết: Sau khi rà soát, nhận thấy Công ty TNHH Thương mại du lịch Đức Ngọc Sơn có đủ điều kiện vay vốn, chi nhánh đã kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ và chỉ đạo cán bộ ngân hàng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục giải ngân, góp phần khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn để NHCSXH thực hiện cho người sử dụng lao động vay là nguồn vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỉ đồng. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến hết ngày 31.3.2022 hoặc khi đã giải ngân hết 7.500 tỉ đồng. Khách hàng được vay vốn bảo đảm các điều kiện: có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc; phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01.5.2021 đến hết ngày 31.3.2022; không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh; đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn…
NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp đến khách hàng, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Đáng chú ý, khách hàng được vay vốn với ưu đãi “hai không” - không phải lãi suất và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay. Ngoài ra, khách hàng được vay một hoặc nhiều lần để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Triển khai kịp thời, đồng bộ quy trình vay vốn, đến nay các huyện: Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm và TP Phủ Lý đều có doanh nghiệp được vay vốn để trả lương cho lao động ngừng việc, góp phần gỡ khó về tài chính cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài.
Niềm vui nhân đôi
17 năm đóng bảo hiểm liên tục, trong đó có 3 năm làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà (huyện Thanh Liêm), song có lẽ khó khăn nhất của người công nhân mà chị Viên Thị Thu Hằng sẽ không bao giờ quên là vào tháng 5, 6 và 7.2021 vừa qua chị buộc phải tạm ngừng làm việc tại doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19. Ba tháng ngừng việc, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương hỗ trợ của doanh nghiệp. Cuối tháng 7, chị Hằng được công ty thông báo sẽ chi trả hỗ trợ lương trong 3 tháng ngừng việc, chị thấy tinh thần phấn chấn vì đây là thời điểm cận kề với năm học mới, tiền chi tiêu học hành cho con, rồi lo cho gia đình sẽ cần nhiều hơn. Chị Hằng cho biết: Ba tháng ngừng việc, dịch xảy ra tôi cũng chẳng biết làm gì, chỉ cầu mong sớm đẩy lùi được dịch Covid-19 để được trở lại công ty làm việc. Được nhận lương hỗ trợ ngừng việc, tôi rất phấn khởi và cảm ơn cấp ủy, chính quyền, ngân hàng, doanh nghiệp đã quan tâm, giúp gia đình tôi giảm bớt được khó khăn trong cuộc sống.
Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà hoạt động trong lĩnh vực may mặc, là một trong các doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được vay vốn hỗ trợ trả lương ngừng việc. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, trong các tháng 5, 6 và 7.2021, sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn do nguồn hàng đến và đi chững lại, nguồn tài chính thanh toán chậm. Trước thực trạng này, công ty đã phải cho một số lao động tạm ngừng việc. Khi biết có chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, doanh nghiệp đã đề nghị với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Liêm để được vay vốn. Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà Đào Thu Hà cho biết: Với thủ tục nhanh gọn, công ty được Phòng giao dịch ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay 110,5 triệu đồng để trả lương cho 13 lao động bị ngừng việc trong các tháng 5, 6, 7.2021, với lãi suất 0%; thời hạn vay là 11 tháng. Đây là việc làm rất kịp thời từ phía ngân hàng giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, lao động được hỗ trợ lương ngừng việc rất phấn khởi.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Liêm Dương Thị Lan Hương cho biết: Thông qua chương trình cho vay nhằm hỗ trợ vốn tín dụng cho người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, để sớm ổn định SXKD và bảo đảm đời sống cho người lao động. Đây là chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp khó khăn, do vậy, đơn vị đề nghị doanh nghiệp sử dụng vốn vay đúng mục đích, có trách nhiệm hoàn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Tại Công ty TNHH Dệt may Dương Ngọc (Lý Nhân), khi TP Hồ Chí Minh rồi tiếp đến là TP Hà Nội thực hiện giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, mặc dù sản xuất vẫn được duy trì nhưng lượng hàng tồn kho nhiều, khiến công ty gặp khó khăn. Một số công đoạn sản xuất phải giảm giờ làm và một số lao động phải tạm ngừng làm việc. Hay đối với Công ty TNHH Thương mại du lịch Đức Ngọc Sơn, năm 2021 có lẽ là năm khó khăn nhất từ trước đến nay. Đã hết ¾ thời gian của năm nhưng doanh thu của công ty hầu như bằng không. Đang lúc khó khăn, các doanh nghiệp được cho vay vốn trả lương ngừng việc, thể hiện sự quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp của Nhà nước, ngân hàng, khẳng định tính đúng đắn của chính sách tín dụng và sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách vay vốn với lãi suất 0% và không cần tài sản bảo đảm nhanh chóng được triển khai, đi vào cuộc sống, mang lại niềm vui cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Dương Ngọc Trần Hữu Thắng cho biết: Trong khó khăn, doanh nghiệp được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ, NHCSXH cho vay vốn trả lương ngừng việc. Đây là niềm vui nhân đôi, không những giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về tài chính - có tiền hỗ trợ công nhân ngừng việc, mà điều quan trọng nhất là giúp cho doanh nghiệp giữ được lao động bảo đảm hoạt động khi phục hồi sản xuất. Còn đối với công nhân được nhận tiền trả lương ngừng việc rất phấn khởi, tin tưởng vì trong đại dịch vẫn bảo đảm được cuộc sống gia đình.
(Xem tiếp Kỳ 2 - Bảo đảm vay vốn công khai, minh bạch, đúng đối tượng)
Tiến Đoàn
Các tin bài khác
- » Tặng máy tính hỗ trợ học tập cho các Lá chưa lành, học sinh mồ côi
- » Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở Sơn La
- » Giúp dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Khơi thông dòng vốn chính sách ở “vùng xanh” Dĩ An
- » NHCSXH TP Đà Nẵng tham gia tặng xe máy cho người dân về quê
- » Nghiệm thu đề tài “Tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam trong môi trường quốc tế”
- » Diện mạo mới trên vùng đồng chiêm trũng
- » Huyện Sơn Hà thực hiện hiệu quả mục tiêu kép
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho CCB
- » Hành trình 19 năm giúp dân giảm nghèo ở Quảng Bình