Vốn chính sách tạo sinh kế cho lao động hồi hương sau đại dịch

21/10/2021
(VBSP News) Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tới nay, đã có hơn 200 nghìn người Thanh Hóa làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành phố có dịch trở về quê. Trong đó, có gần 27 nghìn lao động có nhu cầu việc làm và học nghề. Không có việc làm, không có nguồn thu nhập, cuộc sống của hàng nghìn người đang gặp vô vàn khó khăn. Với phương châm, không để người dân phải đói nghèo vì COVID-19, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn vay chính sách để giải quyết việc làm cho người dân đã được tỉnh khẩn trương triển khai để người dân sớm ổn định cuộc sống.
z2864179245167_c6056216bca1071a0f6c9d0bc7ff2e43

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Triệu Sơn rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại xã Hợp Thành

Đa phần người hồi hương là lao động ở vùng nông thôn, miền núi, vùng DTTS. Khi rời quê hương đi làm ăn xa, phần lớn họ chưa qua đào tạo nghề chuyên nghiệp mà chỉ làm việc dựa trên kinh nghiệm. Bởi vậy, khi trở về quê, họ cũng nhanh chóng hòa nhịp với nghề nông nghiệp mà trước đây họ đã từng gắn bó. Để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người hồi hương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành phương án số 198/PA-UBND ngày 2.9.2021 (PA198), về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, sau khi thực hiện xong cách ly. Mục tiêu mà tỉnh đưa ra là 100% người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Theo PA 198, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên cho người lao động được vay vốn giải quyết việc làm tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay các hộ cận nghèo (0,66%/tháng), mức vay là 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay không quá 120 tháng.

z2864179231325_5ded526a1daffeb9c36d81e906038042

Gia đình chị Ngô Thị Hoa đã ổn định cuộc sống sau khi trở về từ vùng dịch với hai bàn tay trắng

Có lẽ, có nằm mơ, chị Ngô Thị Hoa ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cũng không nghĩ sẽ có ngày được vui vẻ chơi đùa cùng con và sum vầy bên gia đình như thế này. Vì mưu sinh, năm 2018, 2 vợ chồng chị Hoa phải gửi con cho bà để ra Quảng Ninh làm thuê. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, họ trở về quê gần như với 2 bàn tay trắng. Không có việc làm, không thu nhập, lại nuôi 2 con nhỏ khiến cuộc sống của gia đình chị chồng chất những khó khăn. Ngay khi chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa triển khai chính sách về cho vay vốn tạo việc làm đối với lao động trở về từ vùng dịch, gia đình chị đã được vay 70 triệu đồng. Có nguồn vốn, chị Hoa đầu tư mua cá về hấp, nướng mang ra chợ bán. Hiện, trừ chi phí, mỗi ngày, chị có thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng.

z2864179258312_578064c92f4ea8c958388df2f6a0f915

Được vay vốn NHCSXH, anh Nguyễn Văn Đôn đầu tư mua bò và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả của gia đình

Ra Hà Nội mưu sinh từ 10 năm trước bằng nghề lao động tự do, thế nhưng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhiều đợt khiến việc làm của vợ chồng anh Nguyễn Văn Đôn, 33 tuổi, ở thôn Diễn Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn liên tục thất thường, bấp bênh. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, không có việc làm, không có nguồn thu nhập, anh quyết định đưa vợ con về quê. Thông qua Hội Phụ nữ xã, anh Đôn biết được chính sách cho người lao động trở về từ vùng dịch được tạo điều kiện vay vốn với mức lãi thấp, anh quyết định làm hồ sơ vay 100 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay cùng với số tiền mượn thêm anh em, bạn bè, anh Đôn mua 4 con bò, đầu tư cải tạo chuồng trại và mở rộng thêm diện tích cây ăn quả trên đất trang trại của gia đình. “Nguồn vốn vay kịp thời từ NHCSXH là sự động viên, khích lệ để tôi quyết tâm khởi nghiệp ở chính quê hương mình. Từ nguồn vốn vay đã giúp gia đình có một khoản tài chính để mua bò sinh sản, trồng cây ăn quả. Tôi mong rằng, nhiều người lao động khó khăn sẽ được tiếp cận chính sách rất ý nghĩa và nhân văn này để có động lực bắt đầu lại cuộc sống”, anh Đôn chia sẻ.

z2864179243681_b992baf4130b377fe16741568f14c5aa

Ngay sau khi thực hiện xong cách ly khi trở về từ vùng dịch, anh Hà Ngọc Tú được vay vốn NHCSXH đầu tư mở xưởng cơ khí

Cũng giống hoàn cảnh của anh Đôn, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến anh Hà Ngọc Tú, 35 tuổi, ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn làm nghề cơ khí tại Vũng Tàu cũng phải trở về quê. Sau 3 tháng hồi hương, đến nay, anh Tú đã xây dựng được một xưởng cơ khí nhỏ để anh và vài lao động địa phương làm việc. Anh Tú cho biết, trong lúc khó khăn chưa biết xoay xở như thế nào để có kinh phí gây dựng lại cuộc sống thì anh tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH và mạnh dạn vay 80 triệu đồng để đầu tư mua máy móc. Dự kiến trong tương lai, anh sẽ mở rộng và tạo công ăn việc làm cho lao động tại quê. Sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đã tiếp sức cho người lao động như anh có động lực ở lại quê hương ổn định cuộc sống…

Hiện nay, huyện Triệu Sơn có gần 10 nghìn lao động trở về từ vùng dịch. Tuy nhiên, có 2.500 lao động có nhu cầu hỗ trợ vốn vay tạo việc làm. Tất cả các trường hợp này, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Triệu Sơn sẽ cân đối nguồn vốn để tạo điều kiện cho hộ vay được tiếp cận nguồn vốn sớm nhất, ổn định cuộc sống.

z2864179231793_7223fbff9ee102461ed28aa2ed03a322

Nhiều lao động trở về từ vùng dịch tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương vay vốn NHCSXH đầu tư phát triển nghề chế biến hải sản tại quê hương

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền cho biết: Thực hiện phương án của tỉnh, đến nay, tỉnh đã rà soát được hơn 1.700 người có nhu cầu vay vốn, tổng số tiền là 136 tỉ đồng. Vì nguồn vốn cuối năm hạn hẹp nên về phía ngân hàng đang đề xuất trung ương, tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn để người dân làm hồ sơ, giải ngân nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng, không để lao động hồi hương bị bỏ lại phía sau.

Vì dịch bệnh COVID-19, số người trở về quê hương từ các vùng có dịch vẫn đang từng ngày tăng lên. Việc tỉnh Thanh Hóa triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nguồn vốn, tạo việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch trong lúc này là giải pháp rất quan trọng để giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Cùng với thống kê, rà soát nhu cầu việc làm, chính quyền các địa phương đang phối hợp với các trung tâm, đơn vị mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động và nâng cao tay nghề cho người lao động. Các địa phương cũng triển khai nguồn vốn vay giảm nghèo, phát triển các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với giao đất, giao rừng, trồng và nuôi cây, con đặc sản, phát triển du lịch cộng đồng… tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Khánh Phương

Các tin bài khác