“Đòn bẩy” tín dụng chính sách

10/02/2022
(VBSP News) Năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, Tỉnh ủy để triển khai và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động, hoàn thành tốt “mục tiêu kép”, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
hau giang

Người dân nhận vốn vay tại Điểm giao dịch xã

Đồng hành cùng người dân
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều cho biết: Năm 2021, chi nhánh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cấp ủy và chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và đạt được kết quả khả quan trên các mặt hoạt động, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê nhu cầu vay vốn của các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NS&VSMTNT, SXKD vùng khó khăn. Từ đó, toàn chi nhánh đã chủ động triển khai kịp thời và có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội chung của tỉnh.
Để kịp thời hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho người dân, các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19, khi có chính sách tín dụng hỗ trợ của Chính phủ cho người dân và doanh nghiệp, chi nhánh đã tăng cường tuyên truyền, triển khai rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng. Điển hình như chương trình cho vay người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, trong năm 2021, đã có 32 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 3.214 lượt người lao động, với số tiền trên 10,7 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, tiếp tục tạo thêm việc làm mới. Rất phấn khởi khi được vay nguồn vốn lao động hồi hương, ông Lê Hậu Giang ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh chia sẻ: “Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến công việc làm của tôi. Vừa qua, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng nguồn lao động hồi hương, nhờ có nguồn vốn vay, đã giúp tôi có điều kiện cải tạo lại 1ha đất trồng khóm và mua cây giống để trồng lại khóm. Hiện tại cây khóm đang phát triển tốt, tôi cảm thấy rất vui và hy vọng rằng đợt thu hoạch khóm tới đây được mùa, được giá. Từ nguồn vốn vay NHCSXH sẽ giúp cho tôi có được thu nhập ổn định hơn”.
Quan tâm tạo nguồn vốn cho vay
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng do Trung ương phân bổ, để có thêm nguồn lực cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm mới, nâng cao đời sống người dân, từ tỉnh đến các địa phương đều rất quan tâm đến việc tạo nguồn vốn cho vay. Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều cho biết: Trong suốt thời gian qua, toàn chi nhánh đã bám sát và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên, ngân sách địa phương đã ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị đến nay đạt trên 148 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay tăng 54,6 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay trên 160 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi nhánh còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các cơ quan, ban, ngành có liên quan hoàn thiện Đề án thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, đã tham mưu bổ sung, mở rộng chính sách cho vay đối với đối tượng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp một lần, đề xuất nguồn lực để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh cho tạm ứng nguồn vốn ủy thác năm 2021 với số tiền 25 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với lao động hồi hương. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cho tạm ứng nguồn vốn ủy thác năm 2021 (từ nguồn tạm ứng cho vay đối với lao động hồi hương với số tiền 24,8 tỷ đồng) cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, khôi phục SXKD để khắc phục khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đánh giá cao tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ Nguyễn Thanh Giang cho biết: Điểm sáng trong năm qua đối với huyện Long Mỹ là tỷ lệ hộ thoát nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS. Đạt được kết quả này là nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Trong năm 2022, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát hộ nghèo, giám sát hoạt động Tổ tiết kiệm vay vốn; tập trung chỉ đạo các xã có chất lượng tín dụng thấp để nâng cao hiệu quả nguồn vốn chính sách; tăng cường nguồn lực ủy thác qua NHCSXH để cho vay.
Trong năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng trên 99,5%. Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ trong năm 2022 đạt từ 9% trở lên so với năm 2021 (khoảng 265 tỷ đồng). Vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 30 tỷ đồng so năm 2021. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì dưới mức bình quân toàn hệ thống năm 2022.

Bài và ảnh Thanh Xoàn

Các tin bài khác