Gia Lai đồng hành cùng người nghèo

09/02/2022
(VBSP News) Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đại bộ phận người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong bối cảnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai bằng những giải pháp thiết thực đã đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
glai1

Người dân nhận vốn ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Ia Dêr, huyện Ia Grai

“Tiếp sức” cho người nghèo vượt khó
Để chung tay cùng người nghèo và các đối tượng yếu thế, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, cập nhật những trường hợp vay vốn bị rủi ro do dịch COVID-19. Từ kết quả rà soát, chi nhánh sẽ có giải pháp để hỗ trợ khách hàng một cách kịp thời như: gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.
Anh Sonh ở làng Tươh, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Năm 2017, tôi vay 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đak Đoa để đầu tư trồng cà phê. Sau một thời gian, tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, do tình hình nắng hạn, giá cà phê xuống thấp nên gia đình tôi vẫn còn rất khó khăn. Tôi đề nghị ngân hàng cho vay lại để có thể tiếp tục đầu tư cho vườn cà phê”. Thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với khách hàng, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đak Đoa đã tạo điều kiện cho anh Sonh vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo trong thời gian 3 năm. Có thêm nguồn lực tài chính, anh đã đầu tư vào vườn cà phê và chăn nuôi heo, bò.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Anhek ở làng Đê Gol, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang đã được NHCSXH hỗ trợ bằng chính sách giãn nợ giúp gia đình có thêm thời gian vượt qua khó khăn. “Mấy năm trước, tôi vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi 2 con bò và trồng 400 cây cà phê. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gia đình tôi gặp khó khăn nên chưa có nguồn để trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Sau khi xem xét trường hợp của tôi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mang Yang thực hiện giãn nợ cho gia đình tôi thêm một thời gian nữa”, anh Anhek cho biết.
Bên cạnh hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh, trong năm 2021, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai kịp thời chính sách giảm lãi suất cho vay theo Quyết định số 1990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện giảm 10% lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Về phía NHCSXH đã chủ động cân đối chi phí hoạt động để thực hiện giảm lãi suất; đồng thời tăng cường rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khác để hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn nhằm tạo sinh kế, nhất là hộ dân tộc thiểu số sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất

glai2

Bà Trần Thị Mỹ Thuật ở thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để trồng quýt cho thu nhập ổn định

Thông qua chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã giải ngân cho 59 lượt người sử dụng lao động với số tiền 3,2 tỷ đồng để trả lương cho 1.035 lượt lao động bị ngừng việc tại 17 huyện, thị xã, thành phố. Có thể nói, chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính ngắn hạn mà người lao động có thu nhập để bảo đảm đời sống, an tâm gắn bó với đơn vị trong giai đoạn khó khăn.
Với tâm thế phấn khởi khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất 0%, ông Đặng Đức Kham - Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tỉnh Gia Lai cho biết: “Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải cũng gặp không ít khó khăn do thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của khách hàng giảm, lao động phải ngừng việc tạm thời nhưng vẫn phải chi trả lương để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Chúng tôi biết đến chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc thông qua chi nhánh NHCSXH tỉnh. Ngay sau khi nhận được số tiền giải ngân, doanh nghiệp thực hiện chi trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc”.  
Bên cạnh chính sách nói trên, NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương rà soát nhu cầu đối với lao động là người DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở về địa phương từ các tỉnh phía Nam sẽ được ưu tiên vay vốn để tạo sinh kế, sớm ổn định cuộc sống. Lũy kế doanh số cho vay trong năm 2021 đạt tới 1.950 tỷ đồng, bằng 112% so năm 2020, với hơn 55 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Thích ứng an toàn với dịch bệnh

glai3

Ông Nguyễn Hồng Thủy ở thôn 2, xã Đông, huyện Kbang vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để nuôi 10 con bò lai, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm

Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo quyết liệt các Phòng giao dịch triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, duy trì ổn định và giữ vững chất lượng tín dụng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tại các Điểm giao dịch xã, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thị xã phối hợp Chủ tịch UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác bố trí, sắp xếp thời gian để khách hàng, Tổ tiết kiệm và vay vốn đến giao dịch, tránh tập trung đông người cùng một thời điểm. Bố trí khoảng cách giữa khách hàng với giao dịch viên, khách hàng với khách hàng, đo thân nhiệt và mang khẩu trang khi vào giao dịch.
Tính đến ngày 31.12.2021, chi nhánh đã giải ngân cho 4.173 lượt hộ nghèo, 8.413 lượt hộ cận nghèo, 9.247 lượt hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. “Đòn bẩy” từ tín dụng ưu đãi là nguồn lực chính giúp cho các hộ khó khăn có thêm điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.274 tỷ đồng, tăng 378,4 tỷ đồng so với đầu năm, tăng gần 8% so năm 2020, đạt 100% kế hoạch giao.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí nhận định: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chi nhánh đã tập trung huy động nguồn lực, mở rộng cho vay kịp thời, đúng đối tượng nhất là hộ nghèo, người yếu thế, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chúng tôi cũng đã triển khai tốt chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đặc biệt, đã phối hợp chính quyền địa phương rà soát nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn cho người lao động dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở về địa phương từ các tỉnh phía Nam, giúp người dân tạo sinh kế, vượt qua khó khăn do đại dịch”.

Năm qua, tín dụng chính sách đã giúp cho 5.489 hộ thoát nghèo, 5.522 hộ ở Gia Lai thoát khỏi hộ cận nghèo và 9.274 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư SXKD, giải quyết việc làm cho 7.921 lao động, tạo điều kiện cho 1.942 HSSV được vay vốn, 10 đối tượng lao động đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài, cải tạo 24.411 công trình NS7VSMTN đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến cuối năm 2021 (theo tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020) còn 3,96%, giảm 1,42% so với năm 2020.

Bài và ảnh Đức Thụy - Sơn Ca

Các tin bài khác