92 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG: Bước chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong triển khai tín dụng chính sách

02/02/2022
(VBSP News) Những năm qua, tỉnh Bình Phước đã triển khai tích cực Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo “cú hích” mạnh mẽ, giúp người dân, nhất đồng bào DTTS, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
image001

Những cán bộ NHCSXH luôn tận tâm vì người nghèo

Góp phần duy trì giảm nghèo trong đại dịch

Cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, năm 2021 tỉnh Bình Phước đã hoàn thành mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo số liệu, đầu năm 2021, toàn tỉnh Bình Phước còn 3.568 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% tổng số hộ dân. Đến cuối năm 2021, tỉnh giảm 2.000 hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,61% trên tổng số hộ dân. 

Một trong những “cú hích” để Bình Phước hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo trong năm khó khăn vừa qua là nguồn vốn tín dụng chính sách. Năm 2021, toàn tỉnh có 23.552 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. 

Vốn tín dụng đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho 6.451 lao động; hỗ trợ 565 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn; xây dựng 22.522 công trình cung cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; cho vay mua và xây dựng mới được 58 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hỗ trợ cho 22 lượt người sử dụng lao động…

Đặc biệt là, không chỉ chú trọng cho vay đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, NHCSXH tỉnh Bình Phước còn hướng tới những trường hợp khách hàng vay vốn để vươn lên. Điều này góp phần quan trọng giúp nhiều gia đình, nhất là hộ đồng bào DTTS, có thêm “sức đề kháng” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Gia đình anh Điểu Lương, dân tộc S’Tiêng ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập là một ví dụ. Vợ chồng anh có nguồn thu nhập từ chăn nuôi lợn, nhưng do vốn ít nên chỉ nuôi được vài con. Đầu năm 2021, anh được vay 50 triệu đồng từ vốn chính sách để đầu tư mua lợn giống, mở rộng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Hiện gia đình anh đã có hơn 30 con heo thịt với 4 giống heo khác nhau. Được vay vốn chính sách ưu đãi để mua con giống, mở rộng chuồng trại nên việc chăn nuôi thuận lợi, kinh tế gia đình anh Điểu Lương ngày cáng khấm khá hơn.

image002

Nhiều hộ nghèo người dân tộc S’Tiêng ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Chung nhận thức và hành động

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Phước Trương Thanh Dũng, kết quả giảm nghèo của tỉnh trong năm 2021 là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách. Đây là kết quả của một quá trình cho vay đúng đối tượng, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay. Kết quả này đến từ quyết tâm chính trị cao nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt là trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

“Triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, trên cơ sở các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội”, ông Dũng cho biết.

Chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước đối với tín dụng chính sách được thể hiện rõ ở kết quả huy động vốn. Tính đến ngày 31.12.2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH tỉnh đạt trên 2.776,8 tỷ đồng, tăng trên 1.341 tỷ (tốc độ tăng 93,5%) so với thời điểm cuối năm 2014. Theo ông Dũng, từ năm 2014 đến nay, ngoài nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương chuyển về, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện để phục vụ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của các tầng lớp xã hội, của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tỉnh luôn dành ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Một số cơ quan, đơn vị đã mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại NHCSXH chi nhánh tỉnh để góp phần tạo lập nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được tăng lên hàng năm đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong giai đoạn từ cuối năm 2014 đến ngày 31.12.2021 đã giúp hơn 26 ngàn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2015 - 2021; giải quyết việc làm cho 16.102 lao động; giúp 9.939 lượt KSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới 154.781 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ vốn xây 560 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, hỗ trợ vốn xây mới, mua nhà ở xã hội cho 609 đối tượng được thụ hưởng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP…

Việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua đó các cấp, các ngành đã phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Bình Phước.

CTV

Các tin bài khác