Hành trình của bản lĩnh, ý chí và trách nhiệm

31/01/2022
(VBSP News) Với những cán bộ, người lao động NHCSXH - năm 2022 có ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu hành trình 20 năm của một ngân hàng chuyên biệt - cánh tay nối dài của Chính phủ hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua tín dụng ưu đãi - một sản phẩm mang đầy tính nhân văn và đậm tính xã hội chủ nghĩa chỉ có ở Việt Nam. Trọng trách đó là niềm tự hào, là kim chỉ nam soi sáng mọi ý chí và hành động của từng cán bộ NHCSXH, đặc biệt ở thời khắc chuyển giao năm cũ nhìn lại những thành quả đạt được trong một năm đầy gian khăn chưa từng có tiền lệ. Bằng cái tâm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, toàn hệ thống NHCSXH đã vươn lên, tranh thủ từng nguồn vốn, hỗ trợ cho những người nghèo và đối tượng chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh đúng hướng, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau vì đại dịch COVID-19.
image001

Cùng với hệ thống NHCSXH, chi nhánh tỉnh Lâm Đồng nỗ lực đưa đồng vốn ưu đãi đến tận tay đồng bào DTTS ngay cả trong mùa dịch COVID-19

Tới Lâm Đồng vào những ngày đầu năm mới 2022 giữa không khí của mùa Xuân hanh hao xen lẫn sắc vàng của cành mai trên các nẻo đường quê càng cảm nhận rõ ý nghĩa của dòng vốn tín dụng chính sách xã hội đầy tính nhân văn trên mảnh đất này. Năm 2021, dịch COVID-19 xảy ra diện rộng khiến 79 phiên giao dịch tại xã của toàn chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng bị gián đoạn, song điều đó không làm giảm tốc hoạt động tín dụng chính sách mà chi nhánh đã đề ra từ đầu năm. Cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động lên phương án cho vay sau khi giãn cách, chi nhánh tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, đặc biệt là tăng nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương thêm 76 tỷ đồng (+38,8%), đưa tổng nguồn vốn ủy thác lên 272 tỷ đồng, góp phần gia tăng thêm nguồn vốn thực thi các chính sách giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ và của địa phương. Trong năm 2021 chi nhánh đã cho 30.675 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay 1.252 tỷ đồng, trong đó cho vay sản xuất, kinh doanh là 966 tỷ đồng. 

Tính đến hết năm 2021, chi nhánh cung ứng vốn cho 95.105 hộ, với tổng dư nợ gần 4.055 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm. Nguồn vốn đầu tư đúng trọng tâm phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững của tỉnh, ưu tiên vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn với dư nợ đạt 346 tỷ đồng cho 6.915 hộ vay, chiếm 8,5% tổng dư nợ. Trong đó, đầu tư cho đồng bào DTTS là 1.414 tỷ đồng cho 32.980 hộ vay, chiếm 34,9% tổng dư nợ. Riêng huyện nghèo Đam Rông dư nợ đạt 350 tỷ đồng/7.312 hộ vay, tăng 14,4% so với đầu năm. Dư nợ đầu tư xây dựng nông thôn mới 3.263 tỷ đồng với 79.414 hộ vay.

Với những tỉnh, thành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, câu chuyện của NHCSXH không chỉ là cho vay đúng, cho vay đủ mà còn trở thành một công cụ hữu hiệu trợ lực cho địa phương nhằm bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Đơn cử như Hà Nội, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 có những giai đoạn thành phố buộc phải hy sinh nhiệm vụ phát triển kinh tế để tập trung vào công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân, vì vậy đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế thủ đô. Điều này càng đặt áp lực lớn lên tín dụng chính sách xã hội sau dịch khi 924 phiên giao dịch xã, phường phải dừng trực và 172 phiên giao dịch phải thay đổi.

image002

Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn ủy thác để cho các hộ dân vay vốn ngay sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát để người dân có vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định ngay tại quê hương

Sớm dự báo được vấn đề này, bên cạnh việc tham mưu thành phố chuyển nguồn vốn ngân sách hàng năm, chi nhánh đã chủ động khảo sát, đề xuất lên UBND thành phố dành thêm nguồn vốn hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và sinh kế, đặc biệt là sau đợt giãn cách. Kết quả là trong năm 2021, thành phố đã ủy thác thêm 500 tỷ đồng và NHCSXH đã kịp thời triển khai cho vay với doanh số đạt 549 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ cho vay chương trình này đến hết năm 2021 là 1.150 tỷ đồng với 24.496 khách hàng đang vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến 31.12.2021, dư nợ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 5.301 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm với 117.591 khách hàng đang vay. Tính chung các chương trình, doanh số cho vay năm 2021 của chi nhánh đạt 5.045 tỷ đồng với 117.300 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó cho 79.000 lượt khách hàng vay vốn chương trình giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 87.000 lao động, góp phần hoàn thành 54% kế hoạch giải quyết việc làm của thành phố năm 2021.

image003

“Quả ngọt” được ươm mầm từ đồng vốn chính sách

Những câu chuyện tại Lâm Đồng và Hà Nội chỉ là một vài nét chấm phá trong bức tranh hoạt động mà hệ thống NHCSXH đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn triển khai rất hiệu quả trong năm 2021. Dịch COVID-19 khiến hoạt động giao dịch tại xã, phường phải tạm ngừng 9.539 phiên, thay đổi lịch 2.064 phiên trong cả nước. Nhưng, bằng trái tim nhiệt huyết và ý chí vượt khó vươn lên trước mọi khó khăn, toàn thể cán bộ, người lao động trong hệ thống NHCSXH đã hoàn thành tốt kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao. Tính đến 31.21.2021 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 247.970 tỷ đồng, tăng 21.773 tỷ đồng (+9,6%) so với cuối năm 2020, với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Chỉ thị số 40-CT/TW ngày càng đi sâu vào đời sống và có thể cảm nhận rõ bằng định lượng với nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn vẫn tiếp tục tăng vượt mức kế hoạch, đạt 24.702 tỷ đồng, hoàn thành 146% kế hoạch năm; 61/63 chi nhánh đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2021. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 608,7 nghìn lao động, giúp hơn 2,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 37,5 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 379 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 1,1 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; xây dựng gần 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội… góp phần cùng cả nước bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, trong năm 2021 cũng đánh dấu một bước tiến lớn của NHCSXH từ một ngân hàng chuyên trách trong vai trò cánh tay nối dài của Đảng và Chính phủ triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, NHCSXH đã dần từng bước tham gia vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội, trở thành công cụ hữu hiệu thực thi các chính sách tín dụng khẩn cấp đảm bảo nền kinh tế đất nước hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, không để người nghèo và đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Như việc triển khai thực hiện cho vay người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg. Sau 5 tháng triển khai, đến 31.12.2021, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho 2.474 lượt người sử dụng lao động với số tiền 2.316 tỷ đồng để trả lương cho 603.050 lượt người lao động. Đến 31.12.2021 dư nợ thực hiện đạt 2.291 tỷ đồng. Việc tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời của NHCSXH đã góp phần tích cực trong việc phát huy hiệu quả của chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ đến những đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, được người dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. 

Trước thềm Xuân mới 2022 với niềm hân hoan hướng tới NHCSXH tròn 20 tuổi. Sức bật của một ngân hàng đang độ thanh xuân đang có thêm nhiều điểm tựa đột phá. Chỉ thị số 40-CT/TW tiếp tục trở thành một động lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong năm 2022 khi đã có 62/63 chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố phối hợp, tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

NHCSXH cũng đang tham mưu, cùng các Bộ, ngành xây dựng và sửa đổi các chính sách tín dụng nhằm nâng cao hơn hiệu quả của dòng vốn này trong đời sống. Về phía mình, NHCSXH ngay từ đầu năm tập trung chỉ đạo thực hiện tăng trưởng tín dụng năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng sẽ chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Bài và ảnh Hải Trang

Các tin bài khác