Hành trình mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người nghèo

17/11/2021
(VBSP News) Là tổ chức tín dụng được Chính phủ thành lập để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác không vì mục tiêu lợi nhuận, NHCSXH đã trở thành người bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong hành trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Sau 19 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó, gần gũi hơn với nhân dân, hội viên, củng cố hoạt động tại cơ sở; giúp người dân bám đất, bám bản làng ở các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, giúp chính quyền cơ sở hoạch định, định hướng phát triển kinh tế cho địa phương, ổn định an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ.
ngheo 1

Trong chuyến thăm và làm việc với đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã trực tiếp kiểm tra thông tin về chương trình tín dụng chính sách xã hội, hộ vay vốn trên địa bàn xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm được NHCSXH niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã
                                                                                                                            Ảnh: Tư liệu

Giao dịch xã - sản phẩm riêng có của NHCSXH
Để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, NHCSXH đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dung chính sách đặc thù, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của nước ta. Phân công, phân cấp trách nhiệm của Chính quyền địa phương trong việc quản lý và xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện bình xét dân chủ, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; kết hợp với 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với vai trò giám sát, phản biện xã hội và thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiết kiệm chi phí, tiết giảm thời gian, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, đồng thời để chính quyền và đoàn thể cùng chứng kiến, giám sát việc triển khai các chính sách tín dụng, NHCSXH đã đưa các hoạt động nghiệp vụ của mình về phục vụ ngay tại xã, phường, thị trấn thông qua hoạt động giao dịch xã. Với tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, các cán bộ NHCSXH mang vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ khi triển khai thực hiện hoạt động giao dịch xã đến nay, NHCSXH thường xuyên quan tâm chỉ đạo hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động giao dịch xã. Việc đưa các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng về phục vụ tại xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, qua đó đã giải quyết phần lớn các công việc liên quan đến khách hàng, Tổ tiết kiệm và vay vốn ngay tại xã; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp cho mối quan hệ giữa NHCSXH, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội với người dân ngày càng chặt chẽ; chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ngày càng được nâng cao. Từ đó, xây dựng hình ảnh, biểu tượng, đặc trưng riêng có và hoạt động giao dịch xã cũng là thương hiệu của NHCSXH.
Với mạng lưới hơn 10.000 Điểm giao dịch xã đặt trong khuôn viên trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và trên 170.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại các thôn, ấp, bản làng trên toàn quốc, hoạt động giao dịch xã đã tạo điều kiện cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo được tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, dù ngày nắng hay mưa, kể cả thứ bảy, chủ nhật, nơi nào có người nghèo cần vay vốn để sản xuất kinh doanh thì ở nơi đó có dấu chân của những người cán bộ NHCSXH. Việc tổ chức giao dịch vào ngày cố định tại Điểm giao dịch xã đã phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện chức năng phản biện xã hội, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên ngân hàng với người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, tiếp cận với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội.

ngheo 2

Việc tổ chức giao dịch xã vẫn đảm bảo ngay trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Tại các phiên giao dịch xã, cán bộ NHCSXH nơi cho vay cùng với các tổ chức - chính trị cấp xã phổ biến, tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên, thực hiện quy trình xử lý nợ; tổ chức họp giao ban với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Thông qua giao ban tại Phiên giao dịch NHCSXH nơi cho vay phối hợp chặt chẽ với UBND và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đã kịp thời triển khai, tháo gỡ và xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch, không để ai bị bỏ lại phía sau

ngheo 3

Một phiên họp giao ban giữa NHCSXH với lãnh đạo UBND cấp xã,các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Điểm giao dịch xã

Trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH cũng bị ảnh hưởng tại các địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, NHCSXH đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, Phòng giao dịch các huyện, thị trấn chủ động triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đáp ứng nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thường xuyên bám sát và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch để tổ chức giao dịch theo lịch cố định, giao dịch bù, giao dịch tăng phiên kịp thời giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ngay khi địa phương cho phép tổ chức hoạt động giao dịch.
NHCSXH các cấp trang bị các dụng cụ phòng chống dịch như: máy đo thân nhiệt, nón kính giọt bắn, nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang, găng tay bảo hộ và vách ngăn phòng dịch COVID-19 được đặt trên bàn làm việc nhằm đảm bảo khoảng cách, an toàn phòng, chống dịch cho khách hàng và cán bộ ngân hàng; chủ động phối hợp với UBND xã, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã xây dựng phương án tổ chức giao dịch, bố trí, sắp xếp khách hàng vào giao dịch đảm bảo theo quy định của chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, đồng bộ, hoạt động giao dịch xã của NHCSXH được đảm bảo an toàn, thông suốt, từ đầu năm 2021 đến 31.8.2021, NHCSXH đã thực hiện hơn 70 nghìn phiên giao dịch xã, giải ngân 56.301 tỉ đồng cho trên 1,4 triệu lượt khách hàng vay vốn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho gần 4 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đó giúp họ ổn định đời sống, tạo việc làm, khôi phục, mở rộng sản xuất, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập,…
Thời gian tới, toàn hệ thống NHCSXH tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và từng địa phương để chủ động đề ra các giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại các Điểm giao dịch xã khi áp dụng trạng thái bình thường mới; tăng cường rà soát, cập nhật và công khai các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch xã để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa các quy trình nghiệp vụ tại điểm giao dịch xã theo hướng tự động, thông minh để giúp ngân hàng có thể triển khai cung ứng sản phẩm, dịch vụ dễ dàng trên nền tảng số, khai thác dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” NHCSXH luôn đồng hành sát cánh, mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên mọi miền của Tổ quốc. NHCSXH sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và khách hàng để hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH phát huy tối đa hiệu quả góp phần chia sẻ khó khăn với bà con nhân dân, cùng chung tay hoàn thành “mục tiêu kép” của Chính phủ; góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

PV

Các tin bài khác