Tín dụng chính sách xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực lớn
Năm 2016, bà Huỳnh Thị Nhung ở thôn Phú Văn, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Ninh để đầu tư nuôi trâu. Con trâu mẹ năm vừa qua đẻ trâu giống, bà bán được 15 triệu đồng. Ngoài trách nhiệm trả nợ ngân hàng chính sách, bà Nhung dành vốn đầu tư trồng rau, nuôi gà, vịt, heo. Với tính cần cù, năng động, mô hình kinh tế của bà Nhung đạt thu nhập ổn định. Đến nay, bà đã vươn lên thoát nghèo.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Văn Phạm Công Quý cho biết: Vốn chính sách như “chìa khóa vàng” giúp các hộ nghèo trên địa bàn mở được cánh cửa thoát nghèo bền vững, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, cả 32 hộ vay vốn chính sách ở thôn đều trả nợ đúng hạn nhờ hiệu quả của các mô hình kinh tế dựa vào nông nghiệp. Diện mạo nông thôn mới trên địa bàn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn.
Để tạo diện mạo nông thôn mới cho xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Công đoàn cơ sở chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ 300 triệu đồng cùng với ngân sách địa phương, đóng góp công lao động của người dân xây dựng đường giao thông nông thôn khang trang ở thôn 3. Cứ đều đặn mỗi năm, tổ chức công đoàn sẽ hỗ trợ 5 con bò giống giúp người dân xã Trà Vân phát triển kinh tế, ổn định thu nhập.
Năm 2021, huyện miền núi Nam Trà My có xã đầu tiên về đích nông thôn mới là Trà Mai. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Trà My Trần Văn Quang cho biết: Một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian qua là tập trung nguồn vốn hỗ trợ người dân xã Trà Mai phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, hiệu quả. Đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân xã Trà Mai tiếp cận vốn, với doanh số giải ngân đạt 47 tỷ đồng, với 950 hộ vay vốn. Hiệu quả đem lại từ nguồn vốn vay của người dân xã Trà Mai rất cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Mai Hồ Văn Rơm cho biết: Nhờ sử dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả, nhân dân xã Trà Mai đã vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã lên tới 31,69% thì đến nay giảm chỉ còn 7%. Kết quả đó ghi nhận có sự đóng góp lớn của nguồn vốn chính sách.
Tạo thêm động lực
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành một trong những động lực góp phần đổi thay nhiều làng quê. Ở huyện Phú Ninh, nhiều hộ nghèo tiếp cận tín dụng ưu đãi làm kinh tế hiệu quả đã xây mới nhà cửa, góp vốn, góp công xây dựng đường sá, làng quê nông thôn xanh sạch đẹp.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Ninh Nguyễn Thị Trang cho biết: Bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đơn vị không ngừng nỗ lực vượt khó, tập trung huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, ưu tiên cho vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà ở…
Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam, với nhiều Điểm giao dịch đến tận trụ sở các xã, ngân hàng đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vốn trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong xây dựng nông thôn mới, đơn vị tiếp tục huy động các nguồn vốn, cho vay kịp thời giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về vốn tiếp cận, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch, thực hiện tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội cho 100% các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay vốn để đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, người dân sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao đời sống, qua đó, góp phần giúp các địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM theo đúng lộ trình.
Bài và ảnh Việt Nguyễn
Các tin bài khác
- » Khởi sắc hoạt động tín dụng chính sách xã hội
- » Điểm tựa vững chắc của người nghèo
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng: Bài cuối - Trái ngọt từ sự tận tụy
- » Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng: Bài 2 - Chất lượng tín dụng - lựa chọn số 1
- » Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng: Bài 1 - Trợ thủ đắc lực của cấp ủy, chính quyền
- » Vốn tín dụng chính sách - điểm tựa cho người dân Đại Lộc phát triển kinh tế
- » Hơn 5.600 hộ cận nghèo, vượt chuẩn cận nghèo vay vốn ưu đãi
- » Niềm vui từ người dân Phú Lương
- » “Giọt hồng yêu thương” vì cuộc sống cộng đồng