Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

27/01/2022
(VBSP News) Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng đến với người dân. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần tạo việc làm cho các lao động địa phương.
quang binh

Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, anh Phạm Xuân Thăng ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh phát triển mô hình xưởng may, thu hút nhiều lao động địa phương

Năm 2017, do thiếu nguồn vốn để phát triển kinh tế, anh Phạm Xuân Thăng ở xã Võ Ninh được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng. Cùng với số tiền vay mượn thêm, anh đã mở một xưởng may nhỏ ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh. Anh Thăng vui mừng cho biết: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các cơ quan chức năng, tôi đã hoàn thành ước mơ ấp ủ từ lâu. Từ một công nhân đi làm thuê, hiện tại tôi đã có một xưởng may của riêng mình”.
Năm 1996, anh Thăng rời quê hương vào miền Nam làm công nhân may mặc. Thời gian này, anh được công ty may mặc tạo điều kiện cho đi học nâng cao tay nghề. Gắn bó 10 năm, anh quyết định trở về quê hương. Tuy nhiên, không có vốn phát triển kinh tế nên anh lại quyết định sang Nga để tìm kiếm việc làm, học hỏi kinh nghiệm may mặc của nước bạn. Sau một thời gian làm ở Nga và Ukraina, anh nhận ra không môi trường làm việc nào bằng chính ở quê hương mình.
Trở về quê với dự định sẽ mở một xưởng may mặc do chính anh làm chủ, được hỗ trợ vay vốn và sự giúp đỡ của địa phương, năm 2017, anh mở một xưởng may nhỏ. Ban đầu xưởng chỉ có vài chiếc máy may và chưa đến 10 công nhân làm việc. Tuy nhiên, nhờ sự cần cù, chịu khó và tạo mối liên kết với các mối hàng quen thuộc nên xưởng may dần mở rộng thêm quy mô. Hiện nay, xưởng có 50 máy may và 30 công nhân làm việc thường xuyên. Trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất gia công 25.000 sản phẩm quần áo các loại. Lợi nhuận trung bình đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.
Với mong muốn tạo việc làm nhiều hơn nữa cho con em trên địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, đầu năm 2021, anh Thăng đã xây dựng thêm một cơ sở ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy. “Nhận thấy tiềm năng lao động của địa phương còn tương đối dồi dào, trong khi nguồn hàng nhận gia công từ các doanh nghiệp phía Nam lớn nên tôi quyết định mở rộng quy mô xưởng. Hiện tôi đã hoàn thành việc xây nhà xưởng. Quy mô nhà xưởng thứ hai này cũng tương tự xưởng may hiện tại. Dự tính khi đưa vào hoạt động, xưởng may này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng hơn 30 lao động của địa phương. Tuy nhiên, cái khó của chúng tôi hiện nay là thiếu nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất. Chính vì vậy, tôi cũng mong muốn Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các ngành chức năng tạo điều kiện để tôi được tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất”, anh Thăng chia sẻ.
Mặc dù không có cơ sở sản xuất quy mô lớn như anh Thăng, nhưng nhờ vốn vay giải quyết việc làm của PGD NHCSXH, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Quảng Ninh có điều kiện phát triển kinh tế. Chị Phạm Thị Đoài ở xã Võ Ninh vui mừng tâm sự: “Do kinh tế khó khăn, đầu năm 2020, tôi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi quyết định đầu tư nuôi lợn để phát triển kinh tế. Ban đầu, tôi nuôi 1 con lợn nái và 13 con lợn thịt. Dần dần, tôi tự gây giống và nhân đàn để nuôi. Sau 2 năm phát triển chăn nuôi, kinh tế gia đình tôi không còn khó khăn như trước. Nhờ đó, tôi sửa sang nhà cửa khang trang, vững chãi hơn và có điều kiện để cho con học lên đại học”.
Có thể thấy, với nhiều ưu điểm, như lãi suất thấp; thủ tục cho vay nhanh, gọn; thời gian cho vay dài phù hợp với nhiều hoàn cảnh ở nông thôn, nguồn vốn vay chính sách xã hội thu hút nhiều đối tượng vay để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế-xã hội của các địa phương đã thay đổi và khởi sắc từng ngày.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đến người dân, như: vay vốn giải quyết việc làm; vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh… Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Không ít hộ nhờ vốn vay đã mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Thời gian tới, để nguồn vốn vay tín dụng phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch sẽ tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; tiếp tục rà soát, nắm chắc các đối tượng thụ hưởng và nhu cầu vay để chủ động trong triển khai cho vay. Bên cạnh đó, đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác bình xét cho vay để bảo đảm đúng đối tượng được vay…
Tính đến ngày 31.12.2021, doanh số cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện Quảng Ninh đạt hơn 89 tỷ đồng, với 2.220 lượt khách hàng vay; tổng dư nợ đạt hơn 349 tỷ đồng, tăng hơn 12 tỷ đồng so với đầu năm. Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh đang phối hợp cho vay ủy thác với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh huyện với dư nợ đạt hơn 346 tỷ đồng. Toàn huyện có 206 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã có dư nợ tiền gửi tiết kiệm. 

Bài và ảnh Đ.N

Các tin bài khác