Vốn tín dụng chính sách - điểm tựa cho người dân Đại Lộc phát triển kinh tế
Vượt “bão” COVID-19 đạt kết quả ấn tượng
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc, Lê Tấn Hùng cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam; sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đại Lộc, cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình của từng cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc; UBND các xã/thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ban ngành liên quan. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đại Lộc năm 2021 đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Tính đến 31.12.2021, tổng nguồn vốn hiện Phòng giao dịch đang quản lý là 370.854 triệu đồng, tăng 33.592 triệu đồng so với đầu năm 2021, tốc độ tăng 9,9%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 298.806 triệu đồng; nguồn vốn địa phương 15.456 triệu đồng; nguồn vốn huy động 56.592 triệu đồng. Tổng doanh số cho vay 106.725 triệu đồng; tổng doanh số thu nợ 72.838 triệu đồng; tổng dư nợ 370.509 triệu đồng, tăng 33.817 triệu so với đầu năm 2021, tốc độ tăng 10%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Cũng nhờ nguồn vốn này mà nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt vươn lên khá giả, điển hình như hộ anh Bùi Tiến Vũ. Đến thăm mô hình chăn nuôi bò 3B của anh Bùi Tiến Vũ ở thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. Anh Vũ cho biết, trước đây anh làm Phó Bí thư đoàn xã, nhận thấy tiềm năng kinh tế cao của việc trồng cỏ nuôi bò 3B siêu thịt tại xã nhà, đầu năm 2020, anh đã mạnh dạn vay vốn Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc 80 triệu đồng, cộng thêm số tiền tích lũy được anh đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng cỏ, nuôi đàn bò với 20 con.
Hiện nay, anh Vũ nuôi 20 con bò 3B mỗi lứa, để có nguồn thức ăn cho bò, anh trồng 10 sào (5.000m2) cỏ voi và cỏ tím để làm nguồn thức ăn xanh nuôi bò. Ngoài ra anh còn bổ sung thêm thân lá cây bắp, cám bắp, cám gạo,… để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho đàn bò phát triển mạnh.
Điểm tựa cho người dân Đại Lộc
“Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi rất biết ơn Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc đã cho tôi vay vốn, là thanh niên trẻ lúc mới khởi nghiệp nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi thì tôi không biết xoay sở thế nào. Dù mới khởi nghiệp, nhưng đến nay, kinh tế của gia đình tôi đã ổn định, tôi vừa xuất bán lứa đầu tiên với 9 con bò đực thịt, được 432 triệu đồng và thu lãi khoảng 240 triệu đồng…”, anh Vũ phấn khởi nói.
Trong năm 2021, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác thông qua việc thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền vận động các chủ trương chính sách tín dụng sâu rộng đến với các đối tượng thụ hưởng; đặc biệt là việc tuyên truyền chương trình cho vay giải quyết việc làm, giúp các đối tượng vay vốn được tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế nhờ đó ổn định được cuộc sống.
Công tác kiểm tra giám sát hoàn thành 100% kế hoạch. Qua kiểm tra ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn tín dụng đen, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, cùng với địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến 18 xã và thị trấn trên địa bàn huyện, đảm bảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi, giúp họ có nguồn vốn để làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…
Giám đốc Lê Tấn Hùng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình, nhất là ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn để phát triển sản xuất. Góp phần hiện thực hóa mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo giải ngân kịp thời nguồn vốn” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh Trần Hậu - Đoàn Hồng
Các tin bài khác
- » Hơn 5.600 hộ cận nghèo, vượt chuẩn cận nghèo vay vốn ưu đãi
- » Niềm vui từ người dân Phú Lương
- » “Giọt hồng yêu thương” vì cuộc sống cộng đồng
- » Xuân về trên mảnh đất Hà Tĩnh
- » Xuân ấm no nhờ đồng vốn nhân văn
- » Tạo đà giúp nông dân Quảng Ninh thoát nghèo bền vững
- » Lao động vay vốn tạo việc làm, giảm tác động do dịch COVID-19
- » Tiếp sức cho người dân Đình Lập
- » Tích cực hỗ trợ cho người lao động vượt qua đại dịch
- » Tín dụng chính sách giữ vững chất lượng