Tín dụng chính sách giữ vững chất lượng
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam cho biết: Đến ngày 31.12.2021, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt hơn 5.580 tỷ đồng (tăng hơn 487 tỷ đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng 9,6%). Tổng doanh số cho vay đạt gần 1.903 tỷ đồng (tăng hơn 149 tỷ đồng so với năm 2020) với 46.396 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Doanh số cho vay chủ yếu tập trung vào các chương trình hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm; cho vay hộ gia đình SXKD ở vùng khó khăn, NS&VSMTNT; cho vay nhà ở xã hội; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Đến ngày 31.12.2021, tổng dư nợ đạt hơn 5.553 tỷ đồng (tăng 486,5 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 9,6% so với năm 2020), đạt 100% kế hoạch. Có 18/18 đơn vị trực thuộc có dư nợ tăng, trong đó các đơn vị tăng trưởng khá gồm Thăng Bình, Tam Kỳ, Hội An, Phú Ninh, Hiệp Đức, Đông Giang, Núi Thành.
Xuyên suốt hoạt động tín dụng chính sách trong năm 2021 là duy trì và giữ vững chất lượng tín dụng. Cụ thể, đến ngày 31.12.2021, nợ quá hạn và nợ khoanh là 8,8 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,16% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn là 2,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,04%, giảm 0,01% so với năm 2020). Toàn tỉnh có 8/18 đơn vị giảm nợ quá hạn so với đầu năm (Tây Giang, Điện Bàn, Thăng Bình, Bắc Trà My, Núi Thành, Tiên Phước, Đông Giang, Nông Sơn), 2 đơn vị tiếp tục giữ vững không có nợ quá hạn là Phước Sơn, Hội An và có 166 xã/241 xã không có nợ quá hạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá: Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và bão lũ, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã bám sát chỉ đạo của HĐQT NHCSXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức hoạt động đảm bảo an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách tham gia sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn (tốc độ tăng 9,6%).
“Hoạt động tín dụng chính sách đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, đặc biệt là chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.
Hội nghị đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2022. Trong đó, đặc biệt quan tâm các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng ổn định, bền vững. Chú trọng bình xét cho vay, hướng dẫn sử dụng vốn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác, xử lý cương quyết các trường hợp nợ quá hạn nhưng chây ỳ. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác đối chiếu, phân loại nợ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí đánh giá chất lượng tổ, chất lượng giao dịch xã, chất lượng tín dụng chính sách.
Bài và ảnh Q.Việt
Các tin bài khác
- » Điểm sáng khu vực miền núi phía Bắc trong giảm nghèo nhanh
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Sơn La
- » Cải cách hành chính để người dân dễ tiếp cận nguồn vốn
- » "Đòn bẩy" giúp người dân phát triển kinh tế
- » Đồng hành cùng người nghèo vượt qua đại dịch
- » Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » Chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Sóc Trăng nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Xác định hiệu quả nguồn vốn từ đầu ra của tín dụng
- » Thanh niên vượt khó nhờ tín dụng chính sách