Tín dụng chính sách tiếp sức cho nhiều nông dân ở Quảng Nam vươn lên làm giàu
Có vốn nông dân mạnh dạn phát triển kinh tế
Ông Võ Tấn Lũy - Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn cho biết, thời gian qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Kiệt, Phan Quang Tám, Mai Chức…
Chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH thị xã Điện Bàn đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Kiệt (49 tuổi ở thôn Đồng Đức, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn), được anh chia sẻ: Trước đây kinh tế của gia đình anh dựa vào mấy sào ruộng, ngoài ra đi làm thuê cho người ta cũng chỉ đủ để sống qua ngày, sau khi lập gia đình anh quyết tâm tìm hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Anh Kiệt cho biết, năm 2005, từ nguồn vốn vay của NHCSXH thị xã Điện Bàn cộng với số tiền tích góp được anh quyết định thành lập trang trại theo mô hình VAC. Ban đầu, do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô khoảng 0,5ha (năm 2005), đến nay quy mô trang trại của anh đã mở rộng lên hơn 1,5ha với 2 ao nuôi cá (gồm cá trắm, chép, rô phi), hơn 100 con bò 3B, bò 3B cũng là nguồn thu nhập chính của trang trại.
Trong 5 năm trở lại đây, mô hình nuôi bò 3B đang phát triển rất mạnh tại thị xã Điện Ban, anh Kiệt cũng đang tập trung đầu tư vào phát triển đàn bò. Hiện nay, trang trại của anh Kiệt cho doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 700 triệu đồng mỗi năm.
“Gia đình tôi phất lên được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thị xã Điện Bàn, tôi rất biết ơn ngân hàng đã cho tôi vay vốn để xây dựng trang trại…”, anh Kiệt phấn khởi nói.
Tiếp tục tiếp vốn cho nông dân làm giàu
Một hộ khác cũng hiệu quả không kém đó là mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Phan Quang Tám (68 tuổi, trú thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn). Đến thăm mô hình được ông Tám cho biết, xuất thân trong một gia đình thuần nông, nên ông rất quen với việc ruộng đồng, sau khi lập gia đình ông bắt đầu vào việc xây dựng mô hình kinh tế trang trại, những năm đầu thành lập trang trại ông nuôi cá nước ngọt, gà, heo…
Sau một thời gian thấy không có hiệu quả kinh tế, năm 2006 ông bắt đầu chuyển sang trồng cây ăn quả như: xoài, ổi, thanh long, bưởi, cam, quýt, vú sữa,… trong đó cây kinh tế chủ lực là ổi (giống ổi lê Đài Loan) và mít (giống mít Thái, mít Mã Lai, và mít Việt Nam).
Ông Tám chia sẻ thêm, những ngày đầu thành lập mô hình nguồn vốn là trở ngại lớn nhất đối với ông, được NHCSXH thị xã Điện Bàn cho vay ưu đãi 90 triệu đồng đã tiếp thêm sức mạnh cho ông gây dựng được cơ ngơi bạc tỷ như ngày hôm nay, ông rất biết ơn ngân hàng.
Nhờ bàn tay cần mẫn và khối óc nhạy bén, vườn cây ăn quả của ông Tám phát triển theo năm tháng. Hiện nay, vườn cây ăn qủa của ông Tám có diện tích gần 1ha, gồm: 120 cây mít, 500 cây ổi, 40 cây bưởi…
“Hàng năm vườn cây ăn quả của tôi cung cấp ra thị trường khoảng 7 - 8 tấn trái cây các loại, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí tôi lãi 300 - 500 triệu đồng/năm. Nhờ vậy tôi có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng tôi cũng có của ăn của để…”, ông Tám phấn khởi khoe.
Những năm qua, NHCSXH thị xã Điện Bàn đã tập trung cho vay theo các chương trình, như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường…
Riêng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 260 tỷ đồng. Nhờ cho vay đúng đối tượng và khách hàng làm ăn hiệu quả nên tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ còn 280 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,07 tổng dư nợ. Điều này chứng tỏ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn thoát nghèo bền vững.
“Trong thời gian tới, NHCSXH thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ vốn xuống tận tay người dân để bà con mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm để góp phần tăng thu nhập, và trở thành “bệ phóng” cho nông dân làm giàu…”, ông Võ Tấn Lũy - Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn nói.
Đến 30/11/2021 tổng nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đạt 488.661 triệu đồng, tăng 63.279 triệu đồng so với năm 2020, tốc độ tăng 14,8%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 378.476 triệu đồng; nguồn vốn địa phương là 17.513 triệu đồng; nguồn vốn huy động là 92.672 triệu đồng. Tổng dư nợ là 393 triệu đồng, tăng 29 triệu đồng so với đầu năm 2021, tốc độ tăng 7,5%. |
Bài và ảnh Huỳnh Hồ
Các tin bài khác
- » Sức sống mới trên miền đất Nam Tây Nguyên
- » Nguồn vốn vay ưu đãi tiếp sức cho phụ nữ nông thôn Hải Dương
- » Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách tại huyện Nga Sơn
- » Vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng tại NHCSXH”
- » Lao động hồi hương và “bài toán” việc làm (Bài 2 - Lời giải phải đúng và trúng)
- » Lao động hồi hương và “bài toán” việc làm (Bài 1 - Thời cơ cho doanh nghiệp và nỗi lo của địa phương)
- » Vốn chính sách - điểm tựa của hộ nghèo vùng biên
- » Hiệu quả vốn tín dụng chính sách ở Mai Châu
- » Hà Nội hỗ trợ người nghèo khôi phục sản xuất (Bài cuối - Giúp người dân tạo sinh kế, ổn định cuộc sống)