Xác định hiệu quả nguồn vốn từ đầu ra của tín dụng

11/01/2022
(VBSP News) Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng năm 2021. Tham dự Hội nghị có các thành viên trong Ban đại diện tỉnh, Ban Giám đốc và lãnh đạo các phòng chuyên môn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng.
lam dong 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trí Dũng cho biết: Nhu cầu vốn có, nhưng khả năng hấp thụ vốn tín dụng chính sách như thế nào thì nên xác định hiệu quả nguồn vốn từ đầu ra của tín dụng. Tức là tính cả hiệu quả đầu tư chứ không chỉ riêng hiệu quả nguồn vốn. Ví dụ, trong khoản vốn vay đó, có bao nhiêu hộ nghèo thoát nghèo, bao nhiêu hộ ở vùng đồng bào DTTS, chiếm tỷ trọng bao nhiêu…; hoặc, hộ gia đình vay tiền sản xuất, thì mua nguyên liệu hết bao nhiêu, thu được bao nhiêu sản phẩm… Nếu quản lý như thế này thì rủi ro sẽ giảm đi, chất lượng tín dụng sẽ tốt hơn; tuy nhiên, công tác quản lý vốn vay sẽ vất vả hơn, lúc này vai trò của thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền cơ sở càng quan trọng hơn… Từ đó, có thể hình thành cơ chế điều phối nguồn lực tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu vay vốn bằng cách điều chuyển vốn từ địa phương không dùng hết về địa phương có nhu cầu…
Trong năm 2021, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã chủ động tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng ngay từ đầu năm, phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền cấp xã triển khai các chương trình tín dụng chính sách, chuyển tải vốn kịp thời, đúng đối tượng, đúng định hướng, sát mùa vụ, gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển vùng đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phục hồi sản xuất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

lam dong 2

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng Võ Văn Thanh trình bày báo cáo hoạt động năm 2021

Đến 31.12.2021, tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đạt 4.190.683 triệu đồng, tăng trưởng (+10,2%); doanh số cho vay đạt 1.252.404 triệu đồng/30.662 lượt khách hàng, tốc độ tăng trưởng (+10,66%) so với đầu năm; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,12%/tổng dư nợ; 142 Điểm giao dịch xã chuẩn hóa theo “Cẩm nang nhận diện cơ bản NHCSXH”; trong đó có 6 Điểm giao dịch xã đạt chuẩn Điểm giao dịch xã kiểu mẫu.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 814 hộ nghèo, 5.662 hộ cận nghèo và 4.783 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 4.087 lao động, tạo điều kiện cho 3.754 HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp cho 10.588 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh; 13 doanh nghiệp vay vốn trả lương cho 1.527 lao động theo Nghị quyết 68. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2021 còn 1,02% (hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm còn 3,08%); góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả hoạt động trên, trong năm 2021, chi nhánh NHCSXH tỉnh được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dẫn đầu phong trào thi đua trong các đợt thi đua ngắn ngày do NHCSXH tổ chức; 10 Phòng giao dịch và Trụ sở NHCSXH tỉnh được biểu dương khen thưởng trong thực hiện chỉ tiêu nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương. Cùng với những thành tích trong tham mưu, triển khai tín dụng chính sách trong những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Bài và ảnh Lê Hoa

Các tin bài khác