Nguồn lực giảm nghèo bền vững

04/01/2022
(VBSP News) Kết thúc năm 2021, gần 6.680 hộ dân tỉnh Điện Biên vượt qua ranh giới đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76% (giảm 3,21% so với năm 2020). Riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn 38,64% (giảm 4,5% so với năm 2020). Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và người dân; trong đó, đồng vốn chính sách tín dụng được coi là một trong những công cụ giảm nghèo hiệu quả.
dien bien

Người dân tỉnh Điện Biên đến nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Tiếp sức cho người nghèo
Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi có dịp đồng hành cùng với cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên thăm nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình trên địa bàn huyện được “chắp cánh” từ vốn vay chính sách. Đó là mô hình nuôi hươu của gia đình chị Cà Thị Kiều ở bản Mớ, xã Noong Hẹt; mô hình nuôi trâu sinh sản của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở thôn 5, xã Pom Lót; hay mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Giới ở thôn Thanh Hồng, xã Thanh Yên… Có đi mới thấy, bằng bàn tay, khối óc con người, cùng trợ lực kịp thời của đồng vốn chính sách, những mô hình kinh tế trên không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình anh Lò Văn Lả ở bản Nghịu, xã Thanh Luông, ít ai biết rằng trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã. Bước ngoặt đến vào năm 2004, thông qua Hội Nông dân xã Thanh Luông, anh Lả được vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên, cùng với số tiền vay mượn thêm người thân để đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Anh Lả thuê máy xúc đào 4 ao thả cá, với tổng diện tích hơn 3.000m². Được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nên cá của gia đình anh Lả sinh trưởng nhanh, ít bị bệnh. Trung bình mỗi năm xuất bán từ 3 - 4 tấn cá thương phẩm. Ngoài nuôi cá, gia đình anh Lả còn trồng gần 7.000m² cây ăn quả, như: nhãn ghép, xoài, bưởi… Trừ chi phí, anh thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình anh Lả đã trở thành một trong những hộ SXKD giỏi của xã Thanh Luông.
Cũng giống huyện Điện Biên, với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cùng việc xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch lưu động tại các xã, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông đã thực hiện tốt vai trò trong việc đưa vốn chính sách đến người dân kịp thời.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông Nguyễn Phú Khiêm cho biết: Đơn vị hiện có 14 Điểm giao dịch ở tất cả các xã, thị trấn, đặt tại trụ sở UBND xã. Lịch giao dịch hàng tháng tại các xã, thị trấn được bố trí, sắp xếp đảm bảo phù hợp, thuận lợi cho việc di chuyển trang thiết bị khi thực hiện quy trình giao dịch. Để đồng vốn đến tay người dân và được sử dụng hiệu quả, tại mỗi buổi giao dịch, ngoài thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, cán bộ NHCSXH huyện còn kết hợp triển khai các chính sách mới, giao ban với các đoàn thể, tổ, nhóm vay vốn và họp với lãnh đạo xã giải quyết các trường hợp đặc biệt để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách.
Trên 84 tỷ đồng với hơn 1.900 khách hàng vay vốn là kết quả hoạt động trong năm 2021 của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông. Từ nguồn vốn vay, hàng nghìn lượt hộ, cơ sở SXKD có cơ hội phát triển và mở rộng quy mô, góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Những con số biết nói
Nhìn lại kết quả hoạt động tín dụng chính sách trong năm 2021, điều mà Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Điện Biên Đàm Xuân Triệu tâm đắc nhất chính là nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với từng thôn, bản thông qua mạng lưới gần 2.225 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 129 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Với mạng lưới rộng khắp, NHCSXH không chỉ là một địa chỉ cấp vốn cho người dân mà thông qua hoạt động tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận ở địa phương, NHCSXH còn lồng ghép các chương trình tư vấn, hướng dẫn người dân sản xuất, làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần tích cực thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân.
22 chương trình tín dụng của chi nhánh đã đến tận tay hơn 21.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số cho vay đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay ưu đãi hộ nghèo hơn 400 tỷ đồng; hộ cận nghèo gần 175 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo trên 102 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn trên 202,6 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm trên 47,4 tỷ đồng…
Đặc biệt, trong năm 2021, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Qua đó, chi nhánh đã giải ngân cho 2 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc đối với 763 lao động, với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Bước sang năm mới với nhiệm vụ mới, mỗi cán bộ của chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên phấn đấu mục tiêu đưa dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 10 - 15%, đưa tín dụng chính sách lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn, hỗ trợ người nghèo Điện Biên vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh Đức Huy

Các tin bài khác