Huyện Triệu Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
Năm 2020, gia đình ông Lê Văn Hữu ở thôn 5, xã Xuân Thọ được vay 200 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Triệu Sơn. Từ nguồn vốn này, gia đình ông Hữu quy hoạch ao nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, mang lại doanh thu gần 500 triệu đồng/năm; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 150 - 180 triệu đồng/năm. Ông Hữu chia sẻ: “Được tiếp cận với chương trình vay vốn ưu đãi, đối với nông dân chúng tôi thực sự rất có ý nghĩa, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đầu ra của sản phẩm. Từ nguồn vốn vay, chúng tôi đã sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, mở rộng sản xuất”.
Ngoài gia đình ông Hữu, trên địa bàn thôn 5, xã Xuân Thọ còn có 43 hộ nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích gần 20ha. Tìm hiểu được biết, trước kia, khu vực đất nông nghiệp thuộc thôn 5 của xã Xuân Thọ chỉ cấy một vụ lúa do là vùng trũng thấp nên vào mùa mưa bão thường xuyên bị ngập úng. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị/ha canh tác, xã Xuân Thọ đã chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản tại thôn 5.
Cũng được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, tại xã Tiến Nông có hàng chục hộ dân tham gia mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đã mở rộng sản xuất, xây dựng nhà màng, nhà lưới để nâng cao thu nhập; hàng năm lợi nhuận từ trồng rau quả trong nhà lưới từ 250 - 280 triệu đồng/ha, so với trồng lúa trước đây cao gấp khoảng 10 lần. Ngoài các mô hình nêu trên, do có lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm lâu năm nên các mô hình nuôi ốc nhồi, ếch, trồng đào, quất, cây cảnh, cây bóng mát tại các xã An Nông, Hợp Lý, Hợp Tiến, Vân Sơn… cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Triệu Sơn đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, phối hợp với ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Triệu Sơn đã phối hợp và tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn huyện Triệu Sơn, 11 xã có vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đã xây dựng được đề án, với diện tích vùng quy hoạch trên 344ha và 550 hộ dân tham gia. Trên cơ sở các đề án đã được các địa phương xây dựng, Phòng giao dịch đã khảo sát và thống nhất lựa chọn 10/11 mô hình để tham mưu cho trưởng ban đại diện hội đồng quản trị xem xét. Năm 2021, Phòng giao dịch được giao chỉ tiêu cho vay chương trình giải quyết việc làm là 14,2 tỷ đồng, cùng nguồn vốn thu nợ đến hạn cho vay vòng; đã phân bổ cho vay vốn đối với 10 đề án đã được lựa chọn. Đến 15.10.2021, số lao động được cho vay vốn tạo việc làm là 250 người với số tiền giải ngân là 20,3 tỷ đồng, mức cho vay bình quân đạt 81 triệu đồng/lao động.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Triệu Sơn Phạm Văn Tuấn cho biết: Để chính sách tín dụng tiếp tục đi vào cuộc sống, trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình còn hữu hạn, dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, gây đứt gãy các chuỗi sản xuất, tiêu dùng tại nhiều địa phương, Phòng giao dịch đang tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay, bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ người dân đầu tư SXKD, giải quyết nhu cầu việc làm đang bức thiết do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thu hồi và bổ sung, phối hợp UBND các xã có các lợi thế trong sản xuất các sản phẩm OCOP hay đạt tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường ưa chuộng, như xã Bình Sơn với mô hình nuôi ong; xã Thọ Sơn với mô hình trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất bánh gai; xã Thọ Tân mô hình nuôi gà đồi… để hỗ trợ cho vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Với những nỗ lực và kết quả đạt được, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Triệu Sơn đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh Trần Hằng
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức nông dân Hội An khá giả
- » Đưa chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào cuộc sống
- » Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau và Kiên Giang
- » Đoàn thanh niên NHCSXH huyện Quảng Ninh tham gia tặng quà Tết cho cho người nghèo
- » Đòn bẩy giảm nghèo, an sinh xã hội
- » Bắc Giang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội
- » Cà Mau thực hiện tín dụng chính sách hiệu quả
- » Tín dụng chính sách trên cao nguyên Vân Hồ
- » Hỗ trợ người dân tiếp cận tín dụng an toàn
- » Nghệ An hỗ trợ kịp thời người dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương