Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau và Kiên Giang
Năm 2021, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác - các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đã bám sát các chủ trương chính sách, Nghị quyết, Quyết định, Kết luận của HĐQT để chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân.
Tại Cà Mau, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng đạt hơn 3.349 tỷ đồng; doanh số cho vay là hơn 720 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 3.068 tỷ đồng, tăng 274 tỷ đồng (+9,8%) so với đầu năm, với trên 123.209 hộ còn dư nợ. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,75%; hỗ trợ xây dựng 50.898 công trình nước sạch; 6.841 căn nhà cho hộ nghèo; tạo việc làm cho 13.236 lao động; 4.799 HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; 330 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tại Kiên Giang, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng đạt hơn 4.101 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt hơn 1.092 tỷ đồng, với 35.103 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đạt hơn 4.084 tỷ đồng, tăng 353 tỷ đồng so với đầu năm, với trên 148.500 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách đã kịp thời giúp cho 4.739 hộ nghèo, trên 4.800 hộ cận nghèo và 5.224 hộ mới thoát nghèo được vay vốn SXKD, cải thiện cuộc sống; 12.899 hộ gia đình vay vốn xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 12.899 công trình nước sạch và 11.950 công trình vệ sinh; 3.307 khách hàng vay vốn tạo việc làm và duy trì việc làm để giúp tạo việc làm cho 4.638 lao động; 735 lượt HSSV vay vốn để chi phí học tập…
Dù gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đã chủ động xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. Năm 2021, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang thực hiện kiểm tra, giám sát tại 15 cấp huyện, 15 xã, 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 161 hộ vay vốn; Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau đã kiểm tra giám sát tại 09 huyện, thành phố, 09 xã, 09 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 45 hộ vay vốn. Nhìn chung, qua kiểm tra, giám sát, các đơn vị được kiểm tra đã tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và của địa phương.
Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH 2 tỉnh cũng nắm bắt tình hình thực tế việc triển khai, thực hiện các chương trình tín dụng cho vay; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của NHCSXH; lắng nghe những ý kiến, phản ảnh của người dân, động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn vay, chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay đối với ngân hàng.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã báo cáo cụ thể một số nội dung liên quan đến chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, những khó khăn trong công tác công tác thu hồi nợ đến hạn, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn và các tổ chức, cá nhân; công tác kiểm tra sử dụng vốn; chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; hoạt động của các Điểm giao dịch xã còn chưa nâng cao. Từ đó, đưa ra thảo luận về các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị, đề xuất tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh - Ủy viên HĐQT NHCSXH, Trưởng đoàn kiểm tra giám sát đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời, đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện và duy trì tốt quy chế hoạt động, duy trì tốt các kỳ họp để kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện hoạt động vay vốn; cần tập trung chỉ đạo chính quyền địa phương, các cấp tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục bám sát chỉ tiêu ngân hàng cấp trên giao để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban đại diện cả về số lượng và chất lượng.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau và Kiên Giang cần tập trung thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ SXKD của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là đối tượng khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trong đó chú trọng hoạt động Điểm giao dịch xã, phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đánh giá, xếp loại và thực hiện củng cố kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
PV
Các tin bài khác
- » Đoàn thanh niên NHCSXH huyện Quảng Ninh tham gia tặng quà Tết cho cho người nghèo
- » Đòn bẩy giảm nghèo, an sinh xã hội
- » Bắc Giang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội
- » Cà Mau thực hiện tín dụng chính sách hiệu quả
- » Tín dụng chính sách trên cao nguyên Vân Hồ
- » Hỗ trợ người dân tiếp cận tín dụng an toàn
- » Nghệ An hỗ trợ kịp thời người dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương
- » Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về giảm nghèo bền vững
- » Tín dụng chính sách ở vùng lõi nghèo xứ Nghệ: Bài cuối - Tận tâm và tận lực
- » Tín dụng chính sách ở vùng lõi nghèo xứ Nghệ: Bài 2 - Nhân lên giá trị của vốn chính sách