Tín dụng chính sách ở vùng lõi nghèo xứ Nghệ: Bài 2 - Nhân lên giá trị của vốn chính sách

23/12/2021
(VBSP News) Nhiều năm qua, chính sách tín dụng do NHCSXH thực hiện đã chứng minh là công cụ quan trọng trong giảm nghèo của Chính phủ và các địa phương, trong đó có tỉnh Nghệ An. Giá trị của nguồn vốn không dừng lại ở việc hỗ trợ, tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo; bảo đảm an sinh và ổn định trật tự xã hội mà còn được nhân lên gấp nhiều lần bởi chính những người đã từng được thụ hưởng và sử dụng đồng vốn hiệu quả.
2M8A9986

Cô giáo Vi Thị Hiền với các em học sinh trường Tiểu học 1 Môn Sơn

Từ chỗ được tiếp sức…
Ít ai nghĩ Lương Văn Nông, cán bộ Huyện đoàn Con Cuông đã từng là một chàng trai con nhà nghèo nhất nhì bản Pha, xã Yên Khê. Nhìn Nông bây giờ khiến người ta liên tưởng anh là “con nhà nòi” làm cán bộ: Thông minh, nhanh nhẹn, thân thiện và vô cùng quyết đoán. “Những điều này, tôi đều học được ở nhà trường phổ thông và Học viện Thanh niên, thiếu niên, nhất là kinh nghiệm của các anh chị đồng nghiệp. Nhưng người cho tôi bước tiếp trên con đường học tập để được như bây giờ chính là những cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông với nguồn vốn trợ lực HSSV”, anh Lương Văn Nông hồ hởi nói.
Năm 2013, anh được vay 32 triệu đồng cho 4 năm học ở giảng đường Học viện Thanh niên, thiếu niên. Đến năm 2018 thì tốt nghiệp và một lần nữa, may mắn lại đến, Nông về đầu quân cho Huyện đoàn Con Cuông, đúng như tâm nguyện hằng ấp ủ khi bắt đầu đỗ vào Học viện. Hơn ai hết, Lương Văn Nông hiểu rõ, nguồn vốn chính sách quan trọng thế nào đối với người dân còn khó khăn ở xã Yên Khê nói riêng, huyện Con Cuông nói chung. Nó thực sự là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai cho hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên vùng khó khăn.
“Chính vì thế, khi đã trưởng thành, tôi không chỉ biết ơn chính quyền, NHCSXH và những người thân mà còn muốn tri ơn bằng cách giúp đỡ, kết nối để các bạn đoàn viên thanh niên trong địa bàn tiếp cận với nguồn vốn, tự thân lập nghiệp, gây dựng cuộc sống mới, sung túc ngay tại quê hương”, anh Lương Văn Nông chia sẻ.
Một điển hình khác là trường hợp cô giáo Vi Thị Hiền, sinh năm 1988, dân tộc Thái - con gái của hộ nghèo Lương Thị In ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Năm 2006, Hiền cũng được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông cho vay 24 triệu đi học Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Năm 2013, được biên chế về trường THCS Môn Sơn, Yên Khê; kiêm dạy cả trường Tiểu học 1 Môn Sơn - nơi có đông con em là người Đan Lai đang theo học.
Vi Thị Hiền cho biết, thời điểm 2006, khi trúng tuyển Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình, gia đình Hiền rất nghèo. Một mẹ nuôi 4 anh chị em ăn học; bố bị bệnh, mất sớm. Nhưng khi biết gánh nặng tài chính học tập được NHCSXH huyện hỗ trợ, Vi Thị Hiền chỉ còn một quyết tâm duy nhất là phải tốt nghiệp và trở thành cô giáo và Hiền đã làm được.
Bà Lương Thị In - mẹ của cô giáo Vi Thị Hiền xúc động chia sẻ: Chưa bao giờ bà nghĩ gia đình mình sẽ có ngày hôm nay. Nguồn vốn đã giúp gia đình bà thoát nghèo; giúp 3 đứa con được học lên các trường chuyên nghiệp và có việc làm ổn định. Thật không còn gì hạnh phúc hơn!
Đến hết tháng 10.2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt 9.631 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay HSSV hiện nay đạt 318 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay HSSV đã giúp cho hơn 528 nghìn em tiếp tục học tập trên các giảng đường Cao đẳng và Đại học.
Đến trách nhiệm gieo lại quả ngọt
Khát khao được cống hiến, khát khao muốn cho người dân quê mình sung túc hơn đã khiến anh Lương Văn Nông không quản ngại khó khăn, vất vả mày mò tìm cách phát triển kinh tế dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương và nhu cầu của thị trường. Anh đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, học hỏi và phát triển các mô hình nuôi dúi, làm mộc, cơ khí, trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Thành lập Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, mới ra mắt vào tháng 10.2021, thu hút 11 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm, anh cùng các đồng nghiệp tổ chức ít nhất 2 đợt tập huấn, chuyển giao KHKT chăn nuôi, trồng trọt cho các đoàn viên cập nhật kiến thức, công nghệ mới, áp dụng trong chăn nuôi sản xuất, tăng thu nhập.
Đến nay, đã xuất hiện một số mô hình thành công như: mô hình phát triển kinh tế trồng rừng nguyên liệu, phủ xanh đồi trọc và đầu tư mô hình vườn - ao - chuồng của đoàn viên Lang Văn Vê, ở xã Mộ Đức. Nhờ đam mê học hỏi, biết áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, hiện nay, trang trại của anh Vê đã duy trì hơn 100 con lợn, 500 con gà, 20 con dê, 500m² ao cá… và diện tích rừng keo hơn 7ha. Hàng năm, cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Việc trồng rừng, phủ xanh đồi trọc và xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng không chỉ giúp gia đình anh Vê tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải ra môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một điển hình khác cũng thành công từ chính sự động viên, dìu dắt của cán bộ đoàn Lương Văn Nông là mô hình ủ phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi để trồng cam của anh Lô Văn Thuyết ở xã Yên Khê. Sau khi được tập huấn về hoạt động của Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường, từ nguồn rác thải gia súc, gia cầm, thức ăn thừa của gia đình, anh Thuyết đã tiến hành ủ phân vi sinh để tiếp tục chăm bón cho vườn cam và bán cho các hộ gia đình có nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy mà mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho vườn cam. Hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Cũng như anh Lương Văn Nông, từ hoàn cảnh của mình, từ sự hỗ trợ của chính quyền và NHCSXH, cô giáo Vi Thị Hiền đã nỗ lực hết mình để giúp đỡ các em học sinh, nhất là các em DTTS nghèo. “Tôi muốn truyền cảm hứng và mong các em sẽ có tương lai tươi sáng”, cô Vi Thị Hiền chia sẻ.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông Nguyễn Việt Nam, nguồn vốn thực sự hữu ích với bà con khó khăn nói chung và đồng bào nghèo ở Con Cuông nói riêng. Đến hết tháng 10.2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 471.808 triệu đồng; trong đó, chương trình cho vay HSSV đạt hơn 3.579 triệu đồng với 119 khách hàng còn dư n.

(Đón đọc bài cuối - Tận tâm và tận lực)

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác