Tín dụng chính sách ở vùng lõi nghèo xứ Nghệ: Bài 1 - Khởi sắc Tương Dương, Con Cuông

23/12/2021
(VBSP News) Tương Dương, Con Cuông hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Những giai thoại về “bản không chồng”, “vùng chết trắng” hay kỳ bí tộc người Đan Lai ngủ ngồi, sống biệt lập trong rừng sâu… giờ đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó, là những nếp nhà gỗ, nhà xây khang trang, kiên cố mọc lên; những con đường bằng phẳng ôm theo triền lúa, cánh rừng xanh ngắt; những cổng chào của các bản người Thái, người Đan Lai rực rỡ cờ và hoa luôn rộng mở đón khách quý ghé thăm… Dẫu trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vùng đất miền Tây xứ Nghệ đang dần khởi sắc.
con cuong

Gia đình ông Lô Xuân Hùng ở bản Sa, xã Tam Quang, huyện Tương Dương đã thành công nhờ vốn tín dụng chính sách

Người Đan Lai làm đơn thoát nghèo
Ngày 15.10.2021 - một ngày đáng nhớ không chỉ với bản thân vợ chồng chị Lô Thị Tình và anh Vi Văn Tuyển mà còn là dấu ấn trong công cuộc giảm nghèo của các cán bộ tín dụng chính sách và cấp ủy, chính quyền xã Môn Sơn, huyện Con Cuông: Ngày hai vợ chồng người Đan Lai làm đơn thoát nghèo!
Chị Lô Thị Tình vẫn còn nhớ như in những năm tháng cùng bộ tộc của mình sống biệt lập trong vùng lõi của rừng quốc gia Pù Mát. Đến năm 1999, được cán bộ vận động về khu tái định cư Cửa Rào và Tân Sơn theo Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai”, chị và đồng bào Đan Lai rất dè dặt bởi không biết cuộc sống mới sẽ ra sao. Nhưng về khu tái định cư, Nhà nước đã làm sẵn nhà và chuồng trại cho các hộ dân chăn nuôi nên bước đầu cuộc sống khá thuận lợi.
“Chúng tôi không phải vào rừng làm nương, làm rẫy mà cán bộ NHCSXH đã cho vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt; bộ đội và cán bộ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây lúa nước ngay gần nhà; cách chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng các loại rau phục vụ gia đình và đem ra chợ bán lấy tiền mua thêm các vật dụng khác cho gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tổ chức nhiều sự kiện để đồng bào giao lưu văn hóa với người Kinh và người Thái ở đây nên tinh thần người dân rất phấn chấn”, chị Lô Thị Tình kể.
Khi được hỏi, vì sao anh chị lại làm đơn thoát nghèo khi bản thân hai người đều bệnh tật triền miên, chị Tình không ngần ngại nói: “Tôi thấy mình quá hạnh phúc rồi. Cuộc sống khác một trời, một vực với thời sống trong rừng rú. Vả lại, 22 năm rồi, hưởng ơn của Đảng, Nhà nước, đã đến lúc phải mạnh mẽ bứt lên thôi!”.
Nhìn ánh mắt đầy quyết tâm của người phụ nữ Đan Lai đã ngoài 50 tuổi; nhìn cuốn sổ vay vốn NHCSXH và món nợ vay 90 triệu đồng được trả lãi đều đặn, đúng hẹn; nhìn cơ ngơi khang trang, ngăn nắp; đặc biệt, là những khoản tiền gửi nhỏ bé của hai người con lớn của anh chị (đều trưởng thành bằng nguồn vốn học sinh, sinh viên) gửi về hỗ trợ bố mẹ… chúng tôi tin, chắc chắn anh chị sẽ làm được, sẽ bứt phá được!
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông Nguyễn Việt Nam cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt 472 tỷ đồng. Nguồn vốn giúp gần 3.000 HSSV vay vốn để học tập; giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 3 - 4% mỗi năm. Nếu trước đây, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50% thì nay, con số này giảm còn hơn 17%.
Xuất hiện nhiều “triệu phú” vườn, đồi
Trước chị Tình, có gia đình chị Nguyệt, người Đan Lai, ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn cũng đã làm đơn xin thoát nghèo. Đến nay, không những thoát nghèo mà gia đình chị Nguyệt có nhà kiên cố, có 4 sào đất để trồng lúa nước cùng với 8.000m² đất lâm nghiệp để trồng cây. Có chỗ để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, có vườn trồng các loại rau và có cả máy xay xát phục vụ bà con trong bản… tất cả đã mang về cho gia đình khoản thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, sự thành công của cấp ủy chính quyền các cấp trong tỉnh Nghệ An nói chung, NHCSXH nói riêng không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài khang trang của nhà cửa, đường, trường, trạm hay số dư nợ tăng đều mỗi năm. Hay nói cách khác, sự thành công của địa phương này cũng không chỉ nằm ở chỗ đã di dời được tộc người Đan Lai chỉ biết sống biệt lập, du thực trong đại ngàn nguyên sinh; từng chỉ biết ngủ ngồi bên bếp lửa; trẻ em mới sinh ra “được” tắm trên sông; chỉ biết vào rừng săn thú, xuống suối bắt cá… mà sâu hơn cả là đồng bào Đan Lai đã thành thạo trồng lúa, trồng ngô, trồng keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhiều hộ khá lên nhờ buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát hay đi xuất khẩu lao động. Quý nhất là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Bởi chỉ có thay đổi nhận thức, tư duy mới khiến cho bà con thay đổi hành động và biết tự thân nỗ lực, vươn lên.
Tại huyện Tương Dương, vợ chồng anh Lô Xuân Hùng, người dân tộc Thái, ở bản Sa, xã Tam Quang được mệnh danh là “tỷ phú vườn đồi” khi đang sở hữu 5ha rừng keo và gần 250 con gà, lợn rừng lai, dê và bò thịt. “Tất cả cơ ngơi này đều bắt nguồn từ 70 triệu đồng vốn vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tương Dương”, anh Lô Xuân Hùng cho biết.
Một điển hình khác là ông Kha Văn Thương ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Điều đáng quý ở người đàn ông này không chỉ ở nghị lực vươn lên mà còn ông còn tạo việc làm cho 6 Cựu chiến binh nghèo trong bản bằng chính nghề thủ công đan lát mây, tre truyền thống của người Thái. “Rất cảm ơn Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tương Dương đã cho tôi vay 50 triệu đồng để mua vật liệu làm hàng, giúp đỡ công nhân, trả công cho công nhân. 6 năm nay, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, cuộc sống của 7 hộ gia đình chúng tôi thực sự ổn định với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Hàng hóa làm đến đâu, hết đến đấy nên chúng tôi ao ước sẽ có thêm vốn để mở rộng sản xuất, đưa tinh hoa của người Thái đến với nhiều nơi trong và ngoài nước”, ông Kha Văn Thương tâm sự.

(Đón đọc bài 2 - Nhân lên giá trị của vốn chính sách )

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác