Vốn tín dụng chính sách tạo sinh kế cho người hồi hương

15/12/2021
(VBSP News) Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tới nay, đã có hơn 15 nghìn người Đắk Nông làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành phố có dịch trở về quê. Trong đó, có gần 10 nghìn lao động có nhu cầu việc làm và học nghề. Không có việc làm, không có nguồn thu nhập, cuộc sống của hàng nghìn người đang gặp vô vàn khó khăn. Với phương châm, không để người dân phải đói nghèo vì COVID-19, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn vay chính sách để giải quyết việc làm cho người dân đã được tỉnh khẩn trương triển khai để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Hữu Đào ở xã Đắk Wer, huyện Đăk Rlâp đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư mua cây giống và phân bón chăm sóc, cải tạo lại vườn cà phê

Ông Vũ Hữu Đào ở xã Đắk Wer, huyện Đăk Rlâp đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư mua cây giống và phân bón chăm sóc, cải tạo lại vườn cà phê

Tiếp sức lao động hồi hương

Năm 2017 khi giá cây hồ tiêu xuống thấp, gia đình anh Đậu Thế Cảnh ở xã Đăk Wer, huyện Đắk Rlâp đã bỏ lại rẫy tiêu cùng vợ và 2 con nhỏ khăn gói đi Đồng Nai để làm công nhân, cuộc sống mưu sinh nơi xứ người cũng vất vả và nhọc nhằn không kém nhưng gia đình anh vẫn yên tâm vì hàng tháng có thể dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi để trang trải cuộc sống, thế nhưng do dịch COVID-19 bùng phát nhiều đợt khiến việc làm của vợ chồng anh Đậu Thế Cảnh liên tục thất thường, bấp bênh. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, không có việc làm, không có nguồn thu nhập, anh quyết định đưa vợ con về quê.

Thông qua Hội Phụ nữ xã, anh Cảnh biết được chính sách cho người lao động trở về từ vùng dịch được tạo điều kiện vay vốn. Anh quyết định làm hồ sơ vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay cùng với số tiền mượn thêm anh em, bạn bè, anh Cảnh mua 03 con bò sinh sản và mua thêm phân bón, cây giống để cải tạo lại vườn tiêu trên đất của gia đình.

“Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp gia đình có một khoản tài chính để mua phân bón và cây giống, cải tạo lại rẫy vườn. Tôi mong rằng, nhiều người lao động khó khăn sẽ được tiếp cận chính sách rất ý nghĩa và nhân văn này để có động lực bắt đầu lại cuộc sống”, anh Cảnh chia sẻ.

Cũng như anh Cảnh, dịch COVID-19 bùng phát khiến hai con của ông Vũ Hữu Đào ở xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlâp mất việc làm tại TP HCM và phải trở về quê để nương nhờ bố mẹ. Trong lúc khó khăn chưa biết có phương án sinh kế như thế nào để tạo công ăn việc làm cho các con ngay tại quê nhà thì ông được tiếp cận được nguồn vốn vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Rlâp và mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư mua cây giống và phân bón để chăm sóc cải tạo lại vườn cà phê của gia đình, bên cạnh đó ông còn đầu tư trồng thêm 2 sào rau sạch để lấy ngắn nuôi dài. Đến nay các con của ông Đào đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống tại quê nhà. “Sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đã tiếp sức cho người lao động như gia đình chúng tôi có động lực ở lại quê hương ổn định cuộc sống”, ông Đào tâm sự.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hoà cho biết: Trong phương án hỗ trợ người về từ vùng dịch, tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên cho người lao động được vay vốn giải quyết việc làm tại NHCSXH, với lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay các hộ cận nghèo (0,66%/tháng), mức vay tối đa là 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay không quá 120 tháng. Người dân ở các xã phường được tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn tới nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ ngay tại nhà. Đến kỳ, ngân hàng sẽ giải ngân vốn tại xã để người dân có thể vay và làm ăn khi trở lại quê hương mình. Nắm bắt được nhu cầu đó, đến tháng 10/2021 chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã rà soát những lao động trở về địa phương có nhu cầu vay vốn và giải ngân cho hơn 1.400 lao động với số tiền hơn 51 tỷ đồng. Trong đó số lao động là người dân tộc thiểu số trở về quê được vay vốn hỗ trợ sản xuất là 471 lao động với số tiền hơn 17 tỷ đồng, chiếm 1/3 số lao động được vay vốn tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông sau khi hồi hương.

Theo khảo sát của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, có tới gần 4.000 hộ gia đình vừa trở về từ các tỉnh, thành miền Nam có nhu cầu vay vốn. Việc không cần thế chấp tài sản đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này. Cùng với thống kê, rà soát nhu cầu việc làm, chính quyền các địa phương đang phối hợp với các trung tâm, đơn vị mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động và nâng cao tay nghề cho người lao động. Các địa phương cũng triển khai nguồn vốn vay giảm nghèo, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, trồng và nuôi cây, con đặc sản, phát triển du lịch cộng đồng… tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Quỳnh Chi

Các tin bài khác