Vốn chính sách đánh thức tiềm năng miền Tây xứ Nghệ

07/12/2021
(VBSP News) Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp cho diện mạo, đời sống đồng bào khu vực miền Tây xứ Nghệ ngày càng đổi mới. Trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã giúp nhiều huyện thoát nghèo, một số huyện vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới về đích nông thôn mới, đời sống của nhân dân có nhiều khởi sắc.
IMG_6277a

NHCSXH huyện Tương Dương giải ngân vốn cho hộ nghèo ở xã Lượng Minh

Xác định kênh tín dụng chính sách là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở khu vực miền núi và cho đồng bào DTTS, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ 11 huyện miền Tây, trọng tâm, trọng điểm là các huyện nghèo 30A, các xã đặc biệt khó khăn. Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển tải nguồn vốn chính sách đến tận thôn, bản trên địa bàn các huyện phía Tây. Nhờ đó, hầu hết đồng bào dân tộc Nùng, Khơ Mú, Đan Lai,… được tiếp cận tín dụng ưu đãi của Nhà nước dễ dàng, tiết kiệm rất nhiều về thời gian và chi phí đi lại. Đến 31.10.2021, dư nợ cho vay đồng bào DTTS của chi nhánh đạt 2.470 tỷ đồng với 71 nghìn hộ vay vốn. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS của tỉnh từ 24,04% đầu năm 2015 xuống còn 12,8% cuối năm 2020, các huyện nghèo 30A giảm bình quân 5% hàng năm giai đoạn 2015 - 2020.
Tương Dương là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất nước ta với 282 nghìn héc - ta, có phần đông đồng bào DTTS sinh sống tại nhiều xã, thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Hàng năm, NHCSXH tạo điều kiện cho gần 6.000 hộ tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tính đến 31.10.2021, tổng dư nợ vốn vay chính sách  ở Tương Dương là 472 tỉ đồng, trong đó quá một nửa lượng vốn được ưu tiên cho các bản làng đặc biệt khó khăn và dọc vành đai biên giới.

nghe-an-1-6938

Gia đình anh Moong Văn Hường và chị Lô Thị Khoong ở bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương vay vốn chính sách nuôi trâu bò hiệu quả

Xốp Cháo là 1 bản đặc biệt, chỉ có 1 dân tộc duy nhất là Khơ Mú với 409 hộ sinh sống, cách biệt 20km đường sông nước với trung tâm xã Lượng Minh. Nơi đây chưa có điện thắp sáng, không có đường bộ và không có sóng điện thoại vậy mà thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn và sự quan tâm của các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH một cách thuận lợi. Đồng vốn ưu đãi đã góp phần phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống người dân. Đến nay, tổng đàn gia súc của bản đã có 614 con, gia cầm tới gần 1.400 con; trong đó có những hộ có đàn trâu bò tới 30 con. Điều đặc biệt, bản thực hiện phương châm 100% hộ dân nuôi nhốt, thực hiện nghiêm quy chế chăn nuôi, diện tích trồng cỏ hiện nay là 13,8 héc - ta.
Gia đình chị Lô Thị Quyên là một ví dụ. Được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo sớm nhất của NHCSXH đã quyết định nuôi trâu bò. Từ 5 triệu đồng vay, rồi 30 triệu đồng, nay là 50 triệu đồng, chị đã sở hữu đàn trâu bò hơn chục con. Mặc dù vừa qua đã bán gần hết cả đàn trâu bò để thêm vào sửa lại ngôi nhà sàn 80 triệu đồng nhưng gia đình vẫn còn tới 13 con trâu bò. “Lúc trước không có gì nhưng được NHCSXH cho vay tiền nên cuộc sống tạm ổn, dựng được ngôi nhà sàn mới vui lắm”, chị Lô Thị Quyên tâm sự.
Tại “ốc đảo” Xốp Cháo, chúng tôi gặp gỡ các hộ dân sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả trong sản xuất, vươn lên thoát cảnh nghèo khó, lạc hậu như anh chị Moong Văn Hường, Moong Văn Hiền, Moong Văn May, Moong Thị Thức, Hùng Văn Thắng,… Trưởng bản Xốp Cháo Lô Văn Hưng cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của địa phương và NHCSXH huyện Tương Dương, 100% đồng bào Khơ Mú được vay vốn và bỏ hẳn tập quán đốt rừng làm rẫy, nuôi trâu bò thả rông, không còn cảnh túng thiếu, lại biết cách khai hoang vỡ đất trồng cây ăn quả, nuôi vỗ béo gia súc, gia cầm, bán được giá cao, làm nhà ở kiên cố khang trang, cuộc sống ấm no dần!”.
Có thể nói, từ nguồn vốn chính sách, các bản làng vùng sâu, vùng núi cao miền Tây Nghệ An đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với thị trường. Các hộ đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, Đan Lai cũng vơi đi cuộc sống nhọc nhằn, ngày càng tin tưởng NHCSXH vì đã triển khai hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của địa phương về tín dụng chính sách xã hội và luôn đồng hành, tạo động lực mới đánh thức tiềm năng nơi miền Tây xứ Nghệ rộng lớn.

Bài và ảnh Minh Uyên

Các tin bài khác