Chỉ thị số 40-CT/TW tạo cú hích trong tín dụng chính sách ở Nghệ An

02/12/2021
(VBSP News) Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ thị số 40 được coi là cú hích tạo đột phá trong tín dụng chính sách ở các địa phương.
nghe an

Cán bộ NHCSXH giới thiệu người dân quy trình, thủ tục vay vốn

Bước chuyển tích cực
Diễn Châu được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Hàng năm, UBND huyện và các xã, thị trấn đã quan tâm trích nguồn ngân sách để ủy thác sang NHCSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, bố trí Điểm giao dịch xã, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm, ngân sách địa phương đã trích chuyển 750 triệu đồng, hoàn thành 107% kế hoạch năm 2021.
Đến ngày 30.9.2021, nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt gần 4 tỉ đồng, góp phần quan trọng vào việc tạo lập nguồn vốn ổn định để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên khác địa bàn huyện. Một số xã thực hiện tốt như: Diễn Hồng, Diễn Thành, Diễn Kim, Diễn Nguyên, Diễn Hoa…
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Diễn Châu Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Cùng với nguồn vốn dồi dào, doanh số thu nợ tốt đã góp phần quan trọng tạo nguồn vốn cho vay quay vòng ổn định, chủ động tại địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong điều kiện vốn cấp từ Trung ương gặp khó khăn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đến nay đạt trên 732 tỉ đồng. Vốn vay đã giúp cho 9.970 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển SXKD, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, với dư nợ đạt 275 tỉ đồng.
Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Diễn Châu cho biết: Triển khai Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, các cơ quan, phòng ban liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia vào cuộc một cách mạnh mẽ; hoạt động tín dụng chính sách đã đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa; tính minh bạch, công khai, dân chủ, công bằng được nâng cao; cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; chất lượng tín dụng được đảm bảo ổn định, bền vững.

nghe an 3

Chị Lê Thị Hằng ở xóm 13, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn vay vốn NHCSXH đầu tư kinh doanh hàng tạp hóa

Tại huyện Nam Đàn, công tác điều hành kế hoạch nguồn vốn luôn được Ban đại diện NHCSXH huyện quan tâm. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nguyễn Sỹ Hải cho biết: Việc xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm được thực hiện theo đúng quy định. Hàng năm, tham mưu Ban đại diện HĐQT chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch từ thôn, xóm; tham mưu phân bổ nguồn vốn mới kịp thời.
Cụ thể, về huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương, năm 2020, huy động 600 triệu đồng, 10 tháng đầu năm 2021, Phòng giao dịch đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện trích ngân sách chuyển 500 triệu đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao. Đến 31.10.2021 tổng nguồn ngân sách đạt 3,040 tỉ đồng. Huy động vốn đạt mức tăng trưởng tốt.
Tập trung đáp ứng nhu cầu vay vốn
Gần 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn  tín dụng chính sách đạt gần 9.700 tỉ đồng; trong đó, nguồn lực huy động từ ngân sách địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đạt 214 tỉ đồng.
Hàng chục nghìn đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, cải tạo, xây dựng nhà ở, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, HSSV có chi phí để học tập. Đời sống nhân dân, nhất là bộ phận người nghèo và các đối tượng chính sách được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 56.891 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn chính sách.
Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là tỉnh còn khó khăn; nguồn thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi, nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay còn hạn chế. Quá trình thực hiện Chỉ thị số 40, một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu quan tâm đúng mức, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, chưa nâng cao vai trò trách nhiệm kiểm tra giám sát quá trình thực hiện tín dụng chính sách. Việc bố trí ngân sách cấp huyện để ủy thác sang NHCSXH thực hiện cho vay còn hạn chế, có nơi chưa kịp và không hoàn thành chỉ tiêu UBND tỉnh giao hàng năm. Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm với tín dụng chính sách chưa đồng bộ…

ngh an 2

Mô hình nuôi tôm trên cát của anh Nguyễn Tiến Cường ở xóm 2, Diễn Trung, huyện Diễn Châu

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách góp phần vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, ngày 24.8.021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn về việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBMTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện thành phố, thị xã thực hiện nhiều nhiệm vụ, xác định công tác tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Hiện nay, nhu cầu vay vốn để tạo việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, nhất là lực lượng lao động trở về từ các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (ước khoảng 80 tỉ đồng), song việc bố trí nguồn vốn vẫn là bài toán cần có lời giải.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đề nghị Sở Tài chính và Phòng Tài chính tham mưu UBND cùng cấp bố trí nguồn ngân sách năm 2022 để ủy thác sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, cụ thể: ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện theo chỉ tiêu được UBND tỉnh giao.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện tập trung phân bổ nguồn vốn kịp thời khi có thông báo giao vốn của NHCSXH để giải ngân nhanh nguồn vốn các chương trình, đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất và an sinh xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đối với ngân hàng chính sách huyện, tranh thủ nguồn vốn từ cấp trên, tích cực thực hiện tốt công tác huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.

Bài và ảnh Thu Huyền

Các tin bài khác