Tạo sinh kế cho lao động hồi hương

09/12/2021
(VBSP News) Khảo sát tại 2 huyện Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An) cho thấy, phần lớn người hồi hương là lao động vùng DTTS, chưa qua đào tạo nghề mà chỉ làm việc dựa trên kinh nghiệm. Đây vừa là điểm yếu nhưng cũng là điểm thuận lợi của những lao động này khi họ trở về và mau chóng bắt nhịp với nghề nông mà họ đã từng gắn bó. Để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người hồi hương, 2 địa phương đã tận dụng thế mạnh vốn có, khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề, tạo “cần câu” cho lao động ngay tại quê nhà.
Ho Luong Van Qui, Tam Yen, Tam Quang bai 2

Sau khi trở về địa phương ổn định, anh Lương Văn Linh, dân tộc Thái ở bản Tam Liên, xã Tam Quang, huyện Tương Dương đã được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò

Tận dụng lợi thế địa phương
Là huyện nghèo có đông đồng bào DTTS, dịch bệnh ập đến, đời sống thu nhập của nhân dân huyện vùng cao Con Cuông vốn đã khó khăn nay lại càng khó hơn. Dự kiến, trong thời gian tới, số lao động mất việc do dịch bệnh trở về địa phương sẽ tăng thêm, dẫn đến nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng cao. Trước tình hình đó cấp ủy, chính quyền huyện Con Cuông xác định: Tạo sinh kế, tìm kiếm việc làm cho người lao động là nhiệm vụ cấp thiết.
Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Nguyễn Sỹ Kiện cho biết: Ngay khi đón lao động về, huyện đã thống kê, khảo sát nhu cầu, khả năng cụ thể của người lao động, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp nhất đối với mỗi người. Do địa phương có ít nhà máy, doanh nghiệp nên những lao động có tay nghề sẽ được địa phương giới thiệu vào làm việc tại chỗ. “Số còn lại, chúng tôi sẽ phối hợp với NHCSXH cho người lao động vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt những cây con đặc sản và phát triển các nghề truyền thống của địa phương như trồng cam hàng hóa và các loại cây, con giống khác để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Kiện nói.
Xã Môn Sơn là một ví dụ. Trên địa bàn xã có bản của người Đan Lai - bản nghèo nhất của xã. Chủ tịch UBND xã Lương Văn Hoa cho biết: “Khi đồng bào trở về an toàn chúng tôi rất mừng. Hiện, chúng tôi đang khuyến khích bà con tham gia phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, du lịch cộng đồng, phát triển rừng, mở các trang trại vườn - ao - rừng… Đồng thời, xã cũng đang nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động, nhằm tăng thu nhập cho bản thân người lao động và gia đình của họ cũng như góp phần phát triển kinh tế cho xã”.
Huyện miền núi Tương Dương cũng đang khẩn trương tiến hành các biện pháp hỗ trợ lao động hồi hương. Ngay sau khi lao động về quê, chính quyền các xã ngoài việc nắm danh sách, tiến hành cách ly theo đúng quy định, còn tổng hợp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động. Mới đây, huyện đã tổ chức buổi tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại 6 cụm xã. Qua đó, có hơn 2.000 lao động tham dự; 200 lao động đăng ký đi làm ngay.
Bí thư huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải chia sẻ: Quan điểm của huyện là giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động. Vì thế, một số chiến lược phát triển của huyện đã được điều chỉnh. Chẳng hạn, nếu trước đây, huyện tập trung phát triển thương mại, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thì nay, huyện sẽ đưa giá trị nông nghiệp lên cao hơn, nhằm phù hợp với tình hình thực tại và phát huy được dư địa về đất đai, cây, con thế mạnh của địa phương.
Vốn chính sách - công cụ trụ cột
Vợ chồng anh Vi Văn Thành ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương vẫn còn hoảng hốt khi nhớ lại những ngày dịch COVID-19 bùng phát dữ dội nhất tại một số tỉnh thành phía Nam. May mắn an toàn trở về quê, sẵn có đất đồi của gia đình, vợ chồng anh Thành đã dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp được trong 2 năm đi làm công nhân điện tử trong miền Nam và khoản vay 50 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ NHCSXH huyện để đầu tư trang trại chăn nuôi bò, thỏ và dúi. Hiện tại, trang trại đã hoạt động ổn định, thu nhập bình quân cũng đạt 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ cũng được các cán bộ NHCSXH huyện Con Cuông chuyển tải kịp thời đến các hộ vay là đồng bào Đan Lai ở xã Môn Sơn; giúp xua đi nỗi nhọc nhằn mưu sinh cho bà con và mở ra tương lai sáng hơn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Anh Vi Văn Bình ở xóm làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông tâm sự: “Lần trở về này, được NHCSXH cho vay vốn, tôi dự tính tạm thời sẽ ở nhà để chăn nuôi trâu, gà, vịt để trang trải cuộc sống và lo cho con. Khi dịch được kiểm soát tốt, tôi sẽ tiếp tục đi Nam làm việc để tích lũy thêm vốn liếng, lo cho gia đình. Trâu, gà vịt sẽ giao lại cho vợ chăm sóc để không phụ cán bộ NHCSXH”.
Hay anh Lê Văn Cơ, người đàn ông Đan Lai khắc khổ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến cũng tràn đầy hy vọng khi anh nhận 50 triệu đồng tại phiên giao dịch định kỳ ở xã của NHCSXH huyện Con Cuông. Anh xúc đọng cho biết, sẽ dùng số vốn để cải tạo vườn tạp, mua bò sinh sản… để ổn định cuộc sống. Anh Cơ nói, sẽ không rời quê nữa mà sẽ cố gắng phát huy giá trị đồng vốn chính sách mà NHCSXH cho vay để ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng bản Tân Sơn tươi đẹp hơn.

2M8A0058

Anh Lê Văn Cơ nhận vui mừng nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã Môn Sơn

Giám đốc NHCSXH huyện Con Cuông Nguyễn Việt Nam cho biết: Với tinh thần tận tâm phục vụ, ngay khi cấp ủy, chính quyền huyện Con Cuông có thông tin về lao động hồi hương, Phòng giao dịch đã lên kế hoạch rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn; phối hợp với các hội, đoàn thể để kịp thời cho các đối tượng vay, ổn định cuộc sống. Đến hết tháng 10.2021, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Con Cuông đạt gần 472 tỉ đồng với trên 2,6 triệu lượt hộ còn dư nợ và không có nợ quá hạn. “Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay cho các đối tượng của NHCSXH, đặc biệt là lao động hồi hương”, ông Nguyễn Việt Nam khẳng định.
Có thể thấy, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, tín dụng chính sách vẫn luôn là người đồng hành với cấp ủy, chính quyền và người dân. Ngược lại, lãnh đạo các địa phương ở Nghệ An nói chung và Con Cuông, Tương Dương nói riêng cũng luôn xác định, nguồn vốn chính sách là công cụ trụ cột trong tạo sinh kế cho người dân và giảm nghèo bền vững.
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 100 nghìn công dân Nghệ An trở về từ các tỉnh, nhiều nhất là các tỉnh phía Nam. Trong đó, có 75 nghìn người trong độ tuổi lao động. Hiện tại, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh đã kết nối được 66 nghìn vị trí việc làm trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Vinh cho biết: Với phương châm “Cho cần câu hơn cho xâu cá”, chi nhánh thực hiện việc giải ngân kịp thời nguồn vốn tới các đối tượng của ngân hàng; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực đáp ứng nhu cầu của lao động hồi hương. Riêng đối với đối tượng là người đồng bào DTTS, chúng tôi luôn dành thời gian, tâm sức để hỗ trợ đồng bào một cách tối đa nhất từ thủ tục, nguồn vốn đến cách thức sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả…

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác