Vượt lên nghèo khó nhờ điểm tựa vốn chính sách
Điều kiện kinh tế của gia đình bà Bùi Thị Yến ở xóm Trung Hoa, xã Phú Lai từng rất khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Chồng bà thường xuyên đau ốm nên kinh tế đã khó lại càng thêm khó hơn. Để cải thiện kinh tế gia đình, có nguồn thu nhập ổn định hơn, bà Yến luôn tìm tòi hướng phát triển kinh tế mới. Ngặt nỗi, không có vốn thì làm sao phát triển kinh tế được. Thật may cho bà Yến khi thông qua Hội Nông dân xã, bà được tiếp cận vốn vay ưu đãi của NHCSXH, với số tiền 50 triệu đồng, để đầu tư nuôi bò sinh sản. Đến nay, bò đã sinh sản được 3 con, giúp bà Yến trả được tiền vay của NHCSXH. Ngoài ra, bà còn nuôi 2 con lợn nái, mỗi năm đẻ 2 lứa đem lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Nhờ sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, từ đồng vốn ban đầu đã giúp kinh tế gia đình bà Yến ngày càng phát triển, với tổng thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.
Cũng từng là hộ nghèo nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ được tiếp cận vốn chính sách, gia đình chị Bùi Thị Huyền ở xóm Minh Thành, xã Yên Trị đã vươn lên phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững. Cách đây 4 năm, gia đình chị Huyền được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Số tiền này chị đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Để đảm bảo thức ăn cho bò, gia đình chị tận dụng đất vườn trồng cỏ voi. Sau hơn 1 năm vay vốn, bò đã sinh sản và từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình chị Huyền đều xuất bán 2 con bê. Cùng với chăn nuôi, gia đình phát triển trồng bưởi và cây lâu năm. “Nhờ được vay vốn chính sách mà cuộc sống của gia đình tôi ngày một ổn định hơn và thoát khỏi diện hộ nghèo”, chị Huyền chia sẻ.
Ngoài gia đình bà Yến, chị Huyền, những năm qua, trên địa bàn huyện Yên Thủy đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo bền vững nhờ điểm tựa vốn chính sách. Trong 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Do đó, việc truyền tải vốn chính sách kịp thời đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Thủy Phạm Văn Mạnh cho biết: Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 308,6 tỉ đồng, tăng hơn 21 tỉ đồng (7,48%) so với năm 2020. Từ đầu năm đến nay, vốn chính sách đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, đã có trên 2,3 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, với trên 7,6 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Thông qua vốn chính sách đã có gần 200 lao động được tạo việc làm, trên 1.300 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng. Đồng thời, Phòng giao dịch tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Đến hết tháng 11, có 11/11 xã có chất lượng tín dụng tốt. Hiện, toàn huyện có 186 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 158 tổ xếp loại Tốt (chiếm hơn 94%), 22 tổ xếp loại Khá và 6 tổ xếp loại Trung bình. Có thể nói, những năm qua, vốn chính sách tiếp tục là đòn bẩy cho hành trình vượt lên khó khăn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh Viết Đào
Các tin bài khác
- » Tiếp sức cho người nghèo DTTS vượt qua đại dịch COVID-19
- » Chính sách giải quyết việc làm: Đảm bảo việc làm cho lao động hồi hương ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
- » Giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Làm giàu từ nguồn vốn chính sách
- » Tạo sinh kế cho lao động hồi hương
- » Sơn La dồn sức, toàn tâm giúp người dân giảm nghèo
- » Đồng vốn chính sách tiếp sức cho người nghèo
- » Vốn chính sách đánh thức tiềm năng miền Tây xứ Nghệ
- » Giảm nghèo bền vững nhờ vốn chính sách ở Cao Phong
- » Chính sách hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp và người lao động ổn định SXKD