“Cú hích” lớn ở Phú Đô

21/12/2021
(VBSP News) Phú Đô là xã vùng sâu, vùng xa, những năm gần đây là một trong các xã có tốc độ giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Để có được kết quả này, Đảng ủy, chính quyền xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sinh kế cho bà con, trong đó nổi bật là công tác vận động hộ nghèo mạnh dạn tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thiết ở xóm Phú Nam 7, xã Phú Đô chăm sóc vườn chè

Ông Nguyễn Văn Thiết ở xóm Phú Nam 7, xã Phú Đô chăm sóc vườn chè

Phú Đô là xã thuần nông, kinh tế mũi nhọn chủ yếu là cây chè, có 1.542 hộ, 12 đồng bào các dân tộc cùng nhau sinh sống. Trong đó, dân tộc Sán Chay chiếm 60% dân số xã. Ông Nguyễn Viết Thuận - Chi hội trưởng nông dân kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Khe Vàng 2 cho biết: Trước đây, nhận thức của bà con về vấn đề vay vốn tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế. Đa số người dân e dè khi quyết định vay vốn, vì lo lắng không có khả năng trả nợ. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Khi chính sách đã đến từng nhà, trước khi nhận ủy thác cho vay, tổ yêu cầu các hộ đưa ra kế hoạch SXKD của từng gia đình trong thời gian vay vốn, rồi mới đưa ra cuộc họp bình xét. Bất cứ hộ vay vốn nào cũng phải ký cam kết với tổ trả gốc và lãi đúng hạn. Với cách làm bài bản, công khai, minh bạch và hiệu quả, dư nợ của xóm Khe Vàng 2 tăng dần qua các năm, đến nay đạt trên 3,3 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND xã Phú Đô Phùng Thanh Hà chia sẻ: Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình và của địa phương, góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống của người dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, từ 29,93% năm 2015, xuống còn hơn 6% năm 2020, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 32 triệu đồng/người/năm. Năm 2019, Phú Đô được công nhận xã nông thôn mới.
Những năm qua, xã đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách, chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang trồng cây chè. Nhận thấy nhu cầu xã hội về sản phẩm chè ngày càng lớn, nhiều hộ sản xuất trên địa bàn xã đã xác định chè là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chủ trương đúng, được tín dụng chính sách tiếp sức, đến nay, phong trào SXKD chè ở Phú Đô ngày càng lan rộng. Gia đình nào cũng cố gắng cải tạo đất và sử dụng ít nhất 2 - 3 sào đất trồng chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, người dân chủ động nắm bắt thị trường, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất. Hầu hết, các vùng trồng chè trung du đã được chuyển sang trồng giống mới có năng suất, chất lượng cao; các kỹ thuật mới trong chế biến được áp dụng. Sản xuất phát triển, nhu cầu vay vốn ưu đãi của bà con các dân tộc ngày càng cao.
Gia đình ông Lâm Văn Hùng ở xóm Khe Vàng 1, trước đây, chủ yếu trồng các giống chè cũ. Do không có vốn đầu tư mua phân bón, cải tạo đất, làm hệ thống tưới tiêu nên sản lượng, chất lượng chè kém, kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, được Chi hội nông dân xóm tuyên truyền, vận động, ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương để cải tạo đất, làm hồ chứa nước, mua máy bơm, thay giống chè cũ bằng giống mới. Sau 2 năm, vườn chè phát triển tốt, năng suất, sản lượng tăng gấp 3 - 4 lần so với giống chè cũ. Bình quân mỗi năm, gia đình thu 7 lứa, với sản lượng 1,8 tạ chè khô/lứa, giá bán 130.000 đồng/kg (tăng hơn 100.000 đồng so với trước). Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, mua xe máy, vật dụng khác, năm 2019, ông đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Hiện nay, ông Hùng tiếp tục được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương tạo điều kiện cho vay vốn để mở rộng sản xuất.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Thiết là hộ nghèo lâu năm ở xóm Phú Nam 7. Năm 2019, thông qua Hội Nông dân, ông được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH. Có vốn, gia đình ông đã đầu tư cải tạo lại toàn bộ diện tích chè trung du kém hiệu quả sang trồng chè cành có năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, vườn chè đang phát triển tốt, gia đình ông đang tiếp tục mở rộng vườn chè, với diện tích 2.500m².
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Nam 7 Lâm Văn Điệp cho biết: Nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn không chỉ cho gia đình ông Nguyễn Văn Thiết, mà còn cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Đô vững tin phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ông Thiết là một trong 29 tổ viên của tổ, sử dụng vốn vay hiệu quả. Hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách của tổ đạt hơn 1,6 tỉ đồng. Tổ không có tình trạng nợ quá hạn, không có lãi tồn. Đến hết năm 2020, đã có 6 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo trong tổ vươn lên thoát nghèo, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Phú Đô đã và đang phá thế thuần nông, quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực tiếp cận với nguồn vốn vay NHCSXH, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc nơi đây phát triển sản xuất hàng hóa, hướng tới chuỗi giá trị. Tín dụng chính sách thực sự đã và đang taọ ra “cú hích” lớn trên đất Phú Đô”.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác