Đưa vốn chính sách về vùng đồng bào DTTS Kiên Giang
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang Đỗ Văn Hiện cho biết: Kênh tín dụng chính sách được xác định là một trong giải pháp quan trọng, hữu hiệu để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Chi nhánh đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các huyện nghèo, các xã cho vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 134, 135. Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chuyển tải kịp thời, an toàn mọi đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào DTTS nghèo. Hàng nghìn tỉ đồng vốn chính sách đã phủ kín vùng đồng bào DTTS suốt nhiều năm qua, ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19.
Huyện biên giới Giang Thanh có tỷ lệ hộ nghèo là người Khmer cao, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã ấp, tiến hành sắp xếp củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch xã. Nguồn vốn đã chuyển tải đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu SXKD của đồng bào DTTS nơi đây.
Đơn cử như gia đình bà Thị Hường ở ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều đã sử dụng 80 triệu đồng vốn chính sách để đầu tư nuôi bò sinh sản. Bằng sự cần cù, chịu khó, đàn bò cứ thế tăng lên từng năm. Năm 2020, bà tiếp tục được vay vốn chương trình nhà ở cho hộ nghèo, cộng với số tiền tích lũy từ chăn nuôi, trồng trọt, bà đã xây được nhà mới. “Nhờ có nguồn vốn của NHCSXH ưu tiên mà nay gia đình tôi no đủ thêm, hết khổ cực, thiếu thốn”, bà Hường tâm sự.
Khác với gia đình bà Hường, gia đình chị Tiêu Reng ở ấp Toàn Thệ, xã Phú Mỹ, nhiều năm liền là hộ nghèo, lại không có đất sản xuất khiến cuộc sống đã vô cùng khó khăn. Năm 2018, nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Reng vay NHCSXH 30 triệu đồng để chăn nuôi bò vỗ béo và tham gia HTX đan lát để có thêm thu nhập. Đến nay, chị vừa trả xong nợ vay ngân hàng, vừa mua tiếp 4 con bò gầy nuôi vỗ béo. Dự định sang năm 2022, chị Reng xin vay thêm vốn chính sách để phát triển đàn bò theo mô hình kinh tế gia trại.
Trưởng ấp Trần Thệ Tiêu Rí cho biết: Hầu hết hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay vào chăn nuôi bò, nuôi lợn, nuôi cá, trồng lúa, làm nghề đan lát vì đây là thế mạnh của địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng biên giới. Đến nay, nhìn chung các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, sinh lời, đạt hiệu quả rõ rệt, giúp bà con tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng cường đoàn kết dân tộc.
Từ vùng đồng bào DTTS ở huyện Giang Thành, nhìn rộng ra cả các vùng đồng bằng, biển đảo, thành thị thuộc tỉnh Kiên Giang, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giảm nhanh hộ nghèo vùng đồng bào DTTS chỉ còn 10,7%. Kết quả đó có sự góp sức không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH.
Có thể khẳng định, từ một vùng đồng bào DTTS quá nhiều khó khăn về địa lý, với tỷ lệ hộ nghèo cao, trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang thực sự trở thành trụ cột giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 4.100 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang NHCSXH đạt 262 tỉ đồng. Thời gian tới, cùng các cấp, các ngành, chi nhánh sẽ tiếp tục dốc sức, hợp lực, huy động tăng trưởng nguồn vốn và cố gắng từng ngày để đồng vốn ưu đãi đến được với nhiều hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn, góp phần giúp vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc thêm rộn ràng, bình yên.
Minh Uyên
Các tin bài khác
- » Quế Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Trang trại trù phú trên vùng đất nhiễm mặn
- » Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Phú thực hiện giảm lãi suất cho vay
- » Tiếp nối ước mơ đến trường cho HSSV nghèo
- » Tiếp thêm nguồn lực để giảm nghèo bền vững
- » Người dân Nông Sơn thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
- » Vốn tín dụng chính sách tạo sinh kế cho người hồi hương
- » Vượt lên nghèo khó nhờ điểm tựa vốn chính sách
- » Tiếp sức cho người nghèo DTTS vượt qua đại dịch COVID-19
- » Chính sách giải quyết việc làm: Đảm bảo việc làm cho lao động hồi hương ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19