Khởi sắc vùng duyên hải - biên thùy Kiên Giang
Suốt những năm tháng từ khi thành lập (10/2002) đến nay, NHCSXH Kiên Giang đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội làm dịch vụ ủy thác, cùng sự bền bỉ, nỗ lực công tác của những cán bộ, nhân viên trong đơn vị, nên dòng vốn luôn khai thông, chảy đều đặn về khắp trên biên thùy giáp Campuchia, đến ngoài hải đảo xa giữa vùng vịnh Thái Lan, đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn.
Với quyết tâm, chủ động trong công tác huy động nguồn lực, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tín dụng chính sách, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng vào cuộc, dành thêm vốn ngân sách, quỹ hỗ trợ, ủy thác sang NHCSXH để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn. Nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng khắp thôn, ấp, khu phố ở 144 đơn vị hành chính cấp xã ở 12 huyện và 3 thành phố trực thuộc. Riêng vùng đồng bào DTTS Kiên Giang với khoảng 69.219 hộ, trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh đã được NHCSXH tập trung nhiều chương trình, tín dụng, tăng lượng vốn ưu đãi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn.
Đơn cử về xã Định Hòa, huyện Gò Quao có trên 85% người Khmer sinh sống đã được tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn chính sách, và còn được các cán bộ ngân hàng, đoàn thể, khuyến nông tận tình hướng dẫn sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích và đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ vậy làng quê xóm ấp ở Định Hòa khởi sắc. Đời người dân vùng hẻo lánh cũng tươi vui, no đủ dần. Tại xã Vĩnh Điều tiếp giáp với đường biên Campuchia ngày nào còn là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Giang Thành, chưa có điện lưới, hàng năm vào mùa gió chướng nhà cửa, ruộng vườn bị nước lũ cuốn trôi, tàn phá nặng nề. Nhưng ngày nay vùng quê này có số tiền vay của NHCSXH khá cao, gần 31 tỷ đồng tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, giảm nghèo bền vững. Gia đình anh Danh Để, dân tộc Khmer vốn là hộ nghèo của xã Vĩnh Điều. Vậy mà thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Xá Kinh, vợ chồng anh được vay đến 80 triệu đồng vốn chính sách thuộc chương trình tín dụng hộ nghèo và cho vay hộ DTTS đặc biệt khó khăn đã đầu tư nuôi 2 con bò sinh sản thau chua rửa mặn 6 công đất để sạ lúa thơm 2 vụ/năm. Thời gian qua, mùa nối mùa bội thu, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển liên tiếp, làm cho kinh tế gia đình anh Để dư dả, sắm sanh máy phay đất, xuồng máy lớn chuyên trở vật tư, phân bón phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Cũng thoát cảnh nghèo từ đồng vốn chính sách ở xã Vĩnh Điều còn vó ông Huỳnh Thuận, ngụ tại ấp Nha Sáp. Thông qua Hội Cựu chiến binh của địa phương, gia đình ông đã sử dụng 50 triệu đồng của NHCSXH đầu tư nuôi heo bán công nghiệp và trồng dưa hấu, bí rợ theo tiêu chuẩn VietGap. Sau nhiều nỗ lực, nay gia đình ông Huỳnh Thuận đã gây dựng đàn heo thịt, heo nái gần 100 con cùng 9 công đất rau củ quả xanh tốt, doanh thu hàng năm 300 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều Trần Thanh Lâm cho biết: xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nên nguồn vốn ưu đãi rất có ý nghĩa, giúp người dân cải thiện cuộc sống. Do vậy, xã thường xuyên vận động, tuyên truyền các đối tượng chính sách sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, tập trung phát triển sản xuất lương thực, chăn nuôi và tăng cường kiểm tra xem hộ nghèo vay vốn có bị “chặn đầu, chặn đuôi” không, đồng thời đảm bảo vốn vay được công bằng, dân chủ, và chuyển đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.
Điều dễ nhận thấy trong gần 2 thập kỷ qua, nguồn vốn chính sách luôn tăng trưởng được chuyển tải kịp thời đến khắp vùng đất tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc, trở thành động lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách nhất là những gia đình đồng bào DTTS vươn lên phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống mới.
Theo Giám đốc NHCSXH Kiên Giang Đỗ Văn Hiện, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng hơn 50 nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho khoảng 125 nghìn lao động, xây dựng gần 9.600 căn nhà vượt lũ… giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng khó khăn, biên giới, biển đảo xuống còn 6,8%. Cùng với đó NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 bùng phát như thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K” của Bộ y tế tại trụ sở làm việc và trong toàn mạng lưới điểm giao dịch xã; đó là thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt, giữa đúng khoảng cách, hay phân chia sắp xếp lại thời gian giao dịch cụ thể cho từng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho phù hợp; cụ thể hơn nữa đã cho vay bổ sung cho vay mới đối với người dân bị ngừng việc do đại dịch Covid-19. Kết quả suốt mùa dịch bệnh bùng phát lan rộng, NHCSXH tỉnh Kiên Giang từ tỉnh đến huyện, từ trụ sở làm việc đến các Điểm giao dịch xã không để xảy ra trường hợp nào liên quan đến các ca lây nhiễm Covid-19, đồng thời đảm bảo an toàn cho cán bộ ngân hàng lẫn các hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn làm khách hàng truyền thống của ngân hàng.
Trong nhiều năm qua đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách trên vùng biên thùy tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc bởi NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cấp ngành, chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung huy động nguồn lực, thực hiện giải ngân nhanh chóng, chính xác; song song đó, việc giám sát kiểm tra nguồn vốn vay và việc lồng ghép sử dụng vốn tín dụng chính sách với triển khai các chương trình dự án giải quyết việc làm, khuyến nông, khuyến ngư được chú trọng thực hiện thường xuyên. Nhờ đó, vốn chính sách được đồng bào các dân tộc trên toàn địa bàn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, trên biên thùy, ngoài đảo xa sử dụng hợp lý, đạt kết quả trong phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống. Với phương châm hành động “tất cả vì người nghèo” những cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã, đang và tiếp tục bám sát từng xóm ấp, xã, phường, hối hả chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng góp phần làm cho vùng biên thùy tận cùng phía Tây Nam ngày càng đổi thay.
Đến ngày 31/5/2021, tổng nguồn vốn chính sách ở Kiên Giang đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 292 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương hơn 260 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch tăng trưởng năm 2021. |
Bài và ảnh Dư Minh Uyên
Các tin bài khác
- » Điểm tựa vững chắc cho người nghèo
- » Hưng Yên nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
- » Bạc Liêu tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Krông Nô nâng cao hiệu quả vốn ủy thác địa phương
- » Đưa nhanh nguồn vốn chính sách đến các đối tượng thụ hưởng
- » Phát huy hiệu quả vốn vay chính sách
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt trong mùa dịch
- » Nguồn vốn chính sách vẫn chảy trong mùa dịch Covid-19
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở đất cam Cao Phong