Đưa nhanh nguồn vốn chính sách đến các đối tượng thụ hưởng
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, tiếp tục ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những người yếu thế như người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Do vậy, NHCSXH tỉnh Ninh Bình xác định luôn đảm bảo dòng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển SXKD, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở địa phương.
Cùng với việc khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn Trung ương, NHCSXH tỉnh đã chủ động tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư. Tổng nguồn vốn đến 31/5/2021 đạt trên 2.775 tỷ đồng; trong đó, UBND các cấp đã quan tâm ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 44,3 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của các tổ chức và cá nhân là 141 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, những người làm tín dụng chính sách đã chuyển tải kịp thời về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đến từng hộ nghèo.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: Mặc dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng trong 5 tháng qua, dòng vốn tín dụng ưu đãi vẫn được duy trì thông suốt tới các đối tượng thụ hưởng, thông qua mạng lưới Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH trải khắp toàn tỉnh. NHCSXH vẫn đều đặn giao dịch lưu động tại xã theo đúng lịch cố định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi.
Tại các Điểm giao dịch tại xã được sắp xếp khoa học và trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế… đảm bảo giao dịch diễn ra thông suốt và đúng yêu cầu phòng chống dịch. Các Điểm giao dịch phân chia thời gian giao dịch cụ thể theo từng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo sự giãn cách khi khách hàng đến giao dịch, tránh tập trung đông người.
Trong suốt quá trình giao dịch, NHCSXH các huyện, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các xã thực hiện đầy đủ công tác phòng chống dịch Covid-19 theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế như: kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách… Việc thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch không những phòng tránh lây nhiễm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho các đối tượng được thụ hưởng vốn chính sách, mà còn tạo điều kiện cho ngân hàng chuyển vốn nhanh chính xác, đúng quy định.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 13 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của NHCSXH với tổng số tiền đạt 451 tỷ đồng, giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt và ngành nghề. Tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Ninh Bình đến nay đạt 2.771 tỷ đồng, tăng 158 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Từ nguồn vốn chính sách, hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, vì thế hoạt động sản xuất đảm bảo đúng thời vụ và đạt kết quả rõ rệt, cuộc sống không ngừng nâng cao.
Anh Đỗ Văn Dũng ở xã Khánh Thành là một trong hàng nghìn hộ được vay vốn ưu đãi chia sẻ: “Kể từ khi được vay vốn ưu đãi, đời sống kinh tế của gia đình khá lên rất nhiều. Tôi đã sử dụng 100 triệu đồng vốn vay chương trình giải quyết việc làm để mua thêm nguyên liệu, máy móc phục vụ công tác sửa chữa đóng tàu. Từ nguồn vốn giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, tạo việc làm cho 2 - 3 lao động. Có thể thấy, trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguồn vốn chính sách vẫn được giải ngân kịp thời, đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho nhiều hộ nghèo, hộ chính sách như gia đình tôi”.
Phát huy thành tích đạt được, thời gian tới, NHCSXH tỉnh Ninh Bình tiếp tục vừa tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, vừa tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh Hồng Giang
Các tin bài khác
- » Phát huy hiệu quả vốn vay chính sách
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt trong mùa dịch
- » Nguồn vốn chính sách vẫn chảy trong mùa dịch Covid-19
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở đất cam Cao Phong
- » Tiếp sức hỗ trợ người dân làm giàu
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển bền vững
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Tác động của biến đổi khí hậu đến tự nhiên và xã hội
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay