HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Tác động của biến đổi khí hậu đến tự nhiên và xã hội

11/06/2021
(VBSP News) Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề môi trường bức xúc trên phạm vi toàn cầu, bao gồm: sự biến đổi khí hậu (BĐKH), suy thoái đa dạng sinh học (ĐDSH), suy thoái tài nguyên nước ngọt, suy thoái tầng ôzôn, suy thoái đất và hoang mạc hóa, ô nhiễm các chất hữu cơ độc hại khó phân hủy…

001 tnn

Bức tranh chung toàn cầu
Những vấn đề này có mối tương tác lẫn nhau và đều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người cũng như sự phát triển của xã hội. Trong đó, dù ở mức độ quốc gia hay toàn cầu thì BĐKH luôn được xem là vấn đề môi trường nóng bỏng nhất và hơn thế nữa còn được coi là một vấn đề quan trọng tác động tới tiến trình phát triển bền vững hiện nay trên toàn thế giới.
Sau cuộc tranh luận kéo dài hơn 30 năm, cho đến nay, các nhà khoa học đã có sự nhất trí cao và cho rằng trong những thập kỷ gần đây, những hoạt động phát triển kinh tế – xã hội với nhịp điệu ngày một cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, giao thông, nông – lâm nghiệp và sinh hoạt đã làm tăng nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính (N2O, CH4, H2S và nhất là CO2) trong khí quyển, làm Trái đất nóng lên, làm biến đổi hệ thống khí hậu và ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu.
Theo dự đoán, nhiều thành phố của các quốc gia ven biển đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm do mực nước biển dâng – hậu quả trực tiếp của sự tan băng ở Bắc và Nam cực. Trong số 33 thành phố có quy mô dân số 8 triệu người vào năm 2015, ít nhất 21 thành phố có nguy cơ cao bị nước biển nhấn chìm toàn bộ hoặc một phần và khoảng 332 triệu người sống ở vùng ven biển và đất trũng sẽ bị mất nhà cửa vì ngập lụt. Mức độ rủi ro cao về lãnh thổ bị thu hẹp do nước biển dâng theo thứ tự là Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađet, Việt Nam, Inđônêxia, Nhật Bản, Ai Cập, Hoa Kỳ, Thái Lan và Philippin.
Nước biển dâng còn kèm theo hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa và sự nhiễm mặn của nước ngầm, tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt. Theo dự đoán, đến năm 2080, sẽ có thêm khoảng 1,8 tỷ người phải đối mặt với sự khan hiếm nước, khoảng 600 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn suy dinh dưỡng do nguy cơ năng suất trong sản xuất nông nghiệp giảm.
Bên cạnh đó còn có khuynh hướng làm giảm chất lượng nước, sản lượng sinh học và số lượng các loài động, thực vật trong các hệ sinh thái nước ngọt, làm gia tăng bệnh tật, nhất là các bệnh mùa hè do vectơ truyền (IPCC 1998). Trong thời gian 20-25 năm trở lại đây, có thêm khoảng 30 bệnh mới xuất hiện. Tỷ lệ bệnh nhân, tỷ lệ tử vong của nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó sẽ có thêm khoảng 400 triệu người phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh sốt rét.
Theo Nicolas Stern (2007) – nguyên chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, thì trong vòng 10 năm tới, chi phí thiệt hại do BĐKH gây ra cho toàn thế giới ước tính khoảng 7.000 tỷ USD; nếu chúng ta không làm gì để ứng phó thì thiệt hại mỗi năm sẽ chiếm khoảng 5-20% GDP, còn nếu chúng ta có những ứng phó tích cực để ổn định khí nhà kính ở mức 550 ppm tới năm 2030 thì chi phí chỉ còn khoảng 1% GDP.
Tuy nhiên, BĐKH, ở những mức độ nhất định và những khu vực nhất định cũng có những tác động tích cực đó là tạo cơ hội để thúc đẩy các nước đổi mới công nghệ, phát triển các công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường và các hoạt động R&D nói chung có liên quan; Phát triển trồng rừng để hấp thu CO2 giảm phát thải khí nhà kính; Ở một số nước ôn đới, khi nhiệt độ tăng lên sẽ thuận lợi hơn để phát triển nông nghiệp; Năng lượng để sưởi ấm cũng được tiết kiệm hơn.
Tác động của BĐKH ở Việt Nam
Ở Việt Nam, trong thời gian qua, diễn biến của khí hậu cũng có những nét tương đồng với tình hình chung trên thế giới. BĐKH tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường và kinh tế – xã hội, nhưng trong đó tài nguyên nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế và các vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất.
Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước với tổng bình quân đầu người cả nước mặt và nước ngầm trên phạm vi lãnh thổ là 4.400 m3/người/năm (so với bình quân thế giới là 7.400 m3/người, năm). Trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Việt Nam có nhiều yếu tố không bền vững.
Sự suy thoái tài nguyên nước ngày một tăng về cả số lượng và chất lượng do nhu cầu về nước ngày một lớn, khai thác, sử dụng bừa bãi, thiếu quy hoạch và đặc biệt là sự suy giảm đến mức báo động của rừng đầu nguồn.
Dưới tác động của BĐKH, khi nhiệt độ trung bình tăng, độ bất thường của thời tiết, khí hậu và thiên tai gia tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tài nguyên nước ngọt ở các khía cạnh sau:
      – Nhu cầu nước sinh hoạt cho con người, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông… đều tăng. Bên cạnh đó, lượng bốc hơi nước của các thủy vực (hồ ao, sông, suối…) cũng tăng. Hậu quả dẫn đến là sự suy thoái tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng sẽ trở nên trầm trọng hơn.
      – Những thay đổi về mưa, sẽ dẫn tới những thay đổi về dòng chảy của các con sông và cường độ các trận lũ, tần suất và đặc điểm của hạn hán, lượng nước ngầm. Theo dự đoán, BĐKH sẽ làm giảm đáng kể lượng nước trong các con sông ở nhiều vùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
      – Khi băng tuyết ở các cực và đỉnh núi cao tan sẽ làm tăng dòng chảy ở các sông và làm tăng lũ lụt. Khi các băng trên núi cạn, lũ lụt sẽ giảm đi nhưng khi đó các dòng chảy cũng giảm dần, thậm chí cạn kiệt. Nạn thiếu nước sẽ trầm trọng hơn. Điều này rất đặc trưng cho các nước châu Á với nguồn nước sông ngòi phụ thuộc nhiều vào nước thượng nguồn.
Tác động của BĐKH tới lĩnh vực nông nghiệp
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi nhiệt độ, tính biến động và dị thường của thời tiết và khí hậu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. Sự bất thường của chu kỳ sinh khí hậu nông nghiệp không những dẫn tới sự tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất mùa màng, mà còn có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác.
Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, mùa màng đã bị mất trắng do thiên tai (lũ lụt và hạn hán).
Tác động của BĐKH tới tài nguyên ĐDSH rừng
Việt Nam có ĐDSH cao, có các hệ sinh thái (HST) đa dạng. Tuy nhiên trong thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, ĐDSH, các HST, đặc biệt là các HST rừng – HST có ĐDSH cao nhất bị suy thoái trầm trọng. Diện tích rừng giảm rừng ngập mặn ven biển cũng bị suy thoái nghiêm trọng (giảm 80% diện tích) do bị chuyển đổi thành các ao đầm nuôi trồng thủy hải sản thiếu quy hoạch. Trong những năm gần đây, rừng tuy có tăng lên về diện tích, nhưng tỷ lệ rừng nguyên sinh cũng vẫn chỉ khoảng 8% (so với 50% của các nước trong khu vực).
Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam để ứng phó với BĐKH trong các hoạt động thực hiện mục tiêu năm 2010 của Công ước ĐDSH nhằm tăng cường hiệu quả bảo tồn và dịch vụ của các HST rừng trong giảm thiểu thiên tai, bảo vệ tài nguyên nước và giảm phát thải CO2.
Nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần xã sinh vật của nhiều HST. Các loài nhiệt đới sẽ giảm đi trong các HST ven biển và có xu hướng chuyển dịch lên các đới và vĩ độ cao hơn trong các HST trên cạn.
Nhiệt độ tăng, còn làm gia tăng khả năng cháy rừng, nhất là các khu rừng trên đất than bùn, vừa gây thiệt hại tài nguyên sinh vật, vừa tăng lượng phát thải khí nhà kính và làm gia tăng BĐKH.
Tác động của BĐKH tới tài nguyên đất
Trong thời gian gần đây, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do sức ép dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa và bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện tượng xói mòn, rửa trôi, hoang mạc hóa và ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp ngày càng gia tăng.
Dưới tác động của BĐKH, nhất là nước biển dâng làm mất đi nơi ở của cư dân và phần đất màu mỡ nhất cho sản xuất nông nghiệp sẽ là thách thức lớn cho ngành nông nghiệp. Thiên tai, bão, lũ gia tăng sẽ làm tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ sông, bờ biển, bồi lắng lòng dẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất. Hiện tượng thiếu nước và hạn hán sẽ dẫn tới hoang mạc hóa, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
Tác động của BĐKH tới sức khỏe
Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban liên quốc gia về BĐKH đã khẳng định, BĐKH gây ra tử vong và bệnh tật thông qua hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt/nóng, bão, lũ lụt, hạn hán… Do nhiều bệnh sẽ gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh, nhất là các bệnh truyền qua vật trung gian như sốt rét (do muỗi truyền), sốt xuất huyết (muỗi), viêm não (muỗi) qua môi trường nước (các bệnh đường ruột), và các bệnh khác (suy dinh dưỡng, bệnh về phổi…). Những bệnh này đặc biệt ảnh hưởng lớn tới các vùng kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ đói nghèo cao.
Đặc biệt, ở Việt Nam, trong thời gian qua cũng xuất hiện một số bệnh mới ở người và động vật (tả, cúm gia cầm, bệnh tai xanh…) nhiều bệnh có diễn biến phức tạp và bất thường hơn (sốt xuất huyết) và gây ra những thiệt hại đáng kể.
Tác động của BĐKH tới vùng ven biển (VVB)
VVB cũng sẽ là nơi chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai mà trước hết là bão, sóng thần, lũ lụt gây những tổn thất năng nề về nguời và tài sản. Chỉ tính riêng năm 2006, thiệt hại do bão gây ra ở Việt Nam lên tới 1,2 tỷ USD.
Nước biển dâng gây hiện tượng ngập lụt, mất nơi ở và diện tích sản xuất (nông nghiệp, thủy sản và làm muối), gây nhiễu loạn các HST truyền thống. Hiện tượng xâm nhập mặn sẽ gia tăng, các HST đất ngập nước ven biển, nhất là rừng ngập mặn, môi trường sống của các loài thủy hải sản, bức tường chắn sóng và giảm tác động của sóng, bão, nguồn sống hàng ngày của cộng đồng địa phương sẽ bị thu hẹp nhanh chóng. Các cơ sở hạ tầng nhất là các cảng, khu công nghiệp, giao thông sẽ bị tác động mạnh, thậm chí phải cải tạo, nâng cấp hoặc di dời.
Nước biển dâng và nhiệt độ tăng sẽ làm ảnh hưởng lớn tới các rạn san hô, HST có tính đa dạng cao và có ý nghĩa quan trọng đối với tự nhiên và đời sống con người, lá chắn hiệu quả chống xói mòn bờ biển và rừng ngập mặn. San hô là các động vật rất nhạy cảm với các yếu tố sinh thái, nhất là nhiệt độ và chất lượng nước. Nhiệt độ nước biển chỉ cần tăng một vài độ, san hô có thể chết hàng loạt. Hiện nay đã có khoảng 30 quốc gia báo cáo có nguy cơ bị mất san hô.
Tác động của BĐKH tới an ninh môi trường/an ninh quốc gia
BĐKH còn có thể ảnh hưởng tới an ninh môi trường nói riêng, an ninh quốc gia nói chung, tập trung ở những vấn đề sau:
    – Sử dụng chung nguồn nước: Việt Nam có khoảng 2/3 tổng lượng nước là từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào. Việc sử dụng nước phía thượng nguồn, việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện của các quốc gia trên thượng nguồn các sông lớn (sông Hồng, sông Cửu Long) sẽ là một khó khăn rất lớn cho chúng ta trong sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường. BĐKH sẽ làm suy thoái tài nguyên nước, trong khi nhu cầu dùng nước của các quốc gia đều tăng lên, làm tăng các bất đồng và xung đột có thể có trong sử dụng chung nguồn nước.
    – Tị nạn môi trường/khí hậu (trong nước và quốc tế) do mất nơi ở hoặc do bệnh tật và nghèo đói. Có những cảnh báo cho rằng, vấn đề tị nạn khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội, kinh tế mà có thể còn là vấn đề chính trị, chiến tranh.
    – An ninh sinh thái do sự nhiễu loạn của nhiều HST, sự xâm lấn của các sinh vật lạ và sinh vật biến đổi gen.
Tác động của BĐKH tới cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng ở đây được hiểu là những công trình xây dựng thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống và sản xuất như xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch – dịch vụ. Đặc trưng của những đối tượng này là thời gian tồn tại tương đối dài, có thể hàng thế kỷ và chịu tác động trực tiếp và liên tục của khí hậu, thời tiết, và hiện nay là BĐKH với xu hướng ngày càng gia tăng.
BĐKH sẽ tác động tới tính tiện nghi, tính hữu dụng, sức chịu tải, độ bền, độ an toàn của các công trình được thiết kế.
Vì vậy, cần đánh giá tác động của BĐKH cho từng loại cơ sở hạ tầng trong từng địa phương cụ thể để có các giải pháp thích ứng phù hợp là điều quan trọng.
“BĐKH là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay” (Al Gore, Giải Nobel Hòa bình 2007).
“Chúng ta đã mất 30 năm để tranh cãi xem có đúng là Trái đất đang ấm lên không. Giá như khi ấy chúng ta hành động ngay thì cái giá của cuộc tranh cãi kéo dài tới 30 năm ấy đã không quá cao như hiện nay. Bây giờ thì chúng ta không còn thời gian để tranh cãi nữa. Chúng ta không thể thiếu trách nhiệm chuyển vấn đề này cho thế hệ sau quyết định” (Achim Steiner – Giám đốc UNEP).
“BĐKH đang gây ra tình trạng suy thoái môi trường trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi thế giới phải hành động nhanh chóng hơn bao giờ hết”; “…vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thế giới cần phải hành động ngay chứ không thể chần chừ thêm nữa” (Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu 2007 của Liên hợp quốc).
BĐKH là một vấn đề phức hợp, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài, tác động tới tất cả các lĩnh vực, từ tự nhiên đến kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu. BĐKH, thực chất là vấn đề phát triển bền vững. Vì vậy, ứng phó với BĐKH cần phải được tiến hành trong một Chương trình/Kế hoạch quốc gia thống nhất và trong sự hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, để cùng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta – Trái đất mà trên đó con người là vốn quý nhất.

Theo Báo Quảng Nam

Các tin bài khác