Tiếp sức người dân vượt qua đại dịch

10/06/2021
(VBSP News) Ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dòng chảy tín dụng chính sách trên toàn thành phố Đà Nẵng vẫn được khơi thông. NHCSXH TP Đà Nẵng luôn chủ động triển khai các giải pháp tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên tăng nguồn vốn cho các vùng khó khăn. Đồng thời, đảm bảo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân giao dịch tại nhà - giải ngân tại xã, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để người nghèo và các đối tượng chính sách khác khôi phục phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
523586853cc8c89691d9

Hộ vay vốn ở Đà Nẵng vay vốn ưu đãi phát triển ngành nghề may mặc

Tháng 5/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, NHCSXH TP Đà Nẵng đã chủ động đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, tập trung huy động mọi nguồn lực để truyền tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn địa bàn. Đến hết tháng 5/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH TP Đà Nẵng đạt 3.101 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt hơn 1.375 tỷ đồng, chiếm 44,35%/tồng nguồn vốn.
Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung cho biết: Kể từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, NHCSXH TW, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội tập trung huy động mọi nguồn lực và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Các cấp ủy, chính quyền TP Đà Nẵng đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng và thực hiện tốt việc tập trung mọi nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối quản lý là NHCSXH. Hàng năm, UBND từ thành phố đến quận, huyện đã cân đối nguồn vốn ngân sách, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhờ vậy, NHCSXH TP Đà Nẵng được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và triển khai các chính sách giảm nghèo đặc thù của thành phố.
Nguồn vốn chính sách Trung ương cấp, của địa phương ủy thác đã được NHCSXH thành phố cùng chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chuyển tải về khắp 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại 56 Điểm giao dịch xã, phường để cho vay trực tiếp từng đối tượng chính sách. Mạng lưới 1.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn được củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, trở thành “cầu nối” vững chắc của NHCSXH đưa nhanh đồng vốn chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn.
Những cảnh nghèo khó đã lùi xa, không còn ám ảnh quanh các khu phố, làng xóm ven sông Hàn, dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, cũng bởi nhờ sự chung tay góp sức của NHCSXH. Ở thôn Phú Tức, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, gia đình hộ ông Đinh Văn Nhơn, dân tộc Cà Tu vay vốn NHCSXH chương trình cho vay hộ nghèo để xây dựng mô hình chăn nuôi đàn bò 5 con kết hợp trồng 3ha rừng keo. Mô hình đem lại cho gia đình ông Nhơn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp ông trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn và còn tiền của tích lũy tiếp tục mở rộng cơ ngơi chăn nuôi, trồng trọt.
Hay như bà Phan Thị Nhuận ở tổ dân phố 63a, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ sử dụng vốn chính sách để đầu tư trồng 8 sào chuối tiêu hồng trên đất dự án tạm thời chưa sử dụng. Cộng với công chăm sóc vườn cây, tưới nước bón phân, rồi lại trồng xen cây sả dưới gốc chuối, mỗi tháng, gia đình bà thu hoạch chuối chín bán giá hơn 10 triệu đồng, xây được cả nhà 2 tầng trên đất tái định cư.
Cùng các chương trình, dự án phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo thành phố biển ở miền Trung, tăng nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội để Đà Nẵng không còn hộ đói, giảm sâu hộ nghèo, mọi người dân đều có nhà ở, có việc làm,  xây dựng cuộc sống no đủ, yên vui.

Đông Dư

Các tin bài khác