Cú hích cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

07/06/2021
(VBSP News) Thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
phu yen

Người dân xã An Cư, huyện Tuy An vay vốn chính sách để đầu tư phát triển nghề dệt chiếu

Trao đổi với phóng viên về kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian qua, ông Hồ Văn Thục - Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên cho biết: Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy ban hành các văn bản về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW; UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị này.
Qua 5 năm triển khai, năm 2020 vừa qua, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua đó khẳng định Chỉ thị này đã đi vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội; được các cấp ủy, chính quyền địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phóng viên: Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh thay đổi như thế nào, thưa ông?
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên: Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác như: Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; nâng mức vay tối đa lên đến 100 triệu đồng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, cho vay ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; nâng mức vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên tối đa 10 triệu đồng/công trình/hộ; nâng mức vay đối với chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn lên tối đa 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV; nâng thời hạn cho vay tối đa lên đến 120 tháng để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi…
Tại Phú Yên, sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng đã xác định tín dụng chính sách là một trong những công cụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương nên các cấp ủy đảng vào cuộc chỉ đạo sát sao, nâng cao vai trò trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt là việc tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm sau cao hơn năm trước để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Về phần mình, NHCSXH tỉnh Phú Yên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cấp, ngành, cơ quan chức năng quản lý nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo người vay sử dụng đúng mục đích, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương lồng ghép giữa vốn vay NHCSXH với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Phóng viên: Kết quả ra sao, thưa ông?
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên: Đến ngày 31/5/2021, tổng nguồn vốn cho vay tại NHCSXH tỉnh Phú Yên là 3.251 tỷ đồng, tăng 1.432 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, bình quân mỗi năm tăng 9,27%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 3.104 tỷ đồng, tăng 1.299 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, bình quân hàng năm tăng 8,8%. Nguồn vốn ngân sách địa phương 147 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng 880%, bình quân hàng năm tăng gần 40%.

phu yen2

Dư nợ đến 31/5/2021 là 3.243 tỷ đồng, với 86.662 hộ vay, tăng 1.428 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị. Trong đó, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng giảm nghèo là 1.486 tỷ đồng với 41.500 hộ; cho vay các chương trình tín dụng chính sách khác 1.757 tỷ đồng. Doanh số cho vay từ năm 2014 đến nay là 6.267 tỷ đồng, với trên 265.000 lượt hộ vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nghị quyết của HĐND tỉnh về giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 từ 12,62% xuống còn 2,96% (cuối năm 2020).
Từ khi có Chỉ thị đến nay, cùng với nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 38.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%/năm; thu hút, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động; hơn 39.000 HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng mới hơn 115.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 32.000 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn; hơn 1.000 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở, 261 nhà ở xã hội. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần thực hiện tốt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh…
Phóng viên: Ông có thể cho biết thời gian tới, NHCSXH Phú Yên có kiến nghị, đề xuất gì để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương?
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên: Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, NHCSXH tỉnh kiến nghị Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả Chỉ thị. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục quan tâm chỉ đạo, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Hàng năm, ngoài nguồn vốn từ Trung ương chuyển về, NHCSXH tỉnh Phú Yên còn kiến nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương với nguồn vốn ngân sách tỉnh từ 30 - 50 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện từ 3 - 5 tỷ đồng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Lê Hảo thực hiện

Các tin bài khác