Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Mai Sơn
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Giám đốc NHCSXH huyện, cho biết: Bám sát định hướng phát triển KT-XH của huyện, đơn vị chủ động tham mưu cho UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để phân bổ, điều chỉnh vốn tín dụng chính sách đến các xã, thị trấn. Tham mưu chuyển nguồn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện, NHCSXH huyện đang thực hiện cho vay 13 chương trình chính sách tín dụng, với 16.257 hộ được vay vốn, tổng dư nợ gần 575 tỷ đồng. Nguồn vốn được ưu tiên cho vay chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; cho vay nhà ở và chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường… góp phần giúp các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã có trên 2.300 hộ được vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó trên 1.000 hộ được vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; 97 hộ được vay vốn giải quyết việc làm; 383 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; 1.632 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng. Từ năm 2015 đến nay, vốn vay ưu đãi đã giúp gần 5.000 hộ nghèo thoát nghèo, trên 10.000 hộ được tạo việc làm, có 6 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 10% so với năm 2015.
Mường Bằng là xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay, là xã có dư nợ nguồn vốn ưu đãi lớn, với hơn 38,2 tỷ đồng. Ông Cà Văn Cấu - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn ưu đãi đã đến được với những hộ nghèo, gia đình chính sách, hỗ trợ nông dân địa phương đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay, vốn vay chính sách đã hỗ trợ xóa 39 nhà tạm, xây dựng gần 1.400 công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,3%.
Từng là hộ nghèo khó khăn về nhà ở, nhờ vốn chính sách tín dụng, giờ đây gia đình anh Lò Văn Hạnh, bản Mé Mời, xã Mường Bằng không chỉ xây dựng được nhà mới mà còn thoát nghèo. Anh Hạnh chia sẻ: “Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi được vay gần 100 triệu đồng, đã đầu tư chăn nuôi đại gia súc, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm, hoàn thành trả gốc và lãi vay, hiện gia đình đang tiếp tục vay nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư chuồng trại, mở rộng chăn nuôi gia súc. Đối với nguồn tiền vay nhà ở 25 triệu đồng năm 2017, cộng với tiền dành dụm của gia đình đã xây dựng nhà 60m² kiên cố, không còn lo mưa, nắng, yên tâm phát triển sản xuất”.
Còn hộ ông Lò Văn Pản ở bản Bó mới thoát nghèo năm nay, chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tôi được vay vốn hộ nghèo 50 triệu đồng, gia đình đã đầu tư nuôi lợn, trồng 3.000m² xoài, nhãn, năm 2020 thu nhập gần 100 triệu đồng. Đời sống được cải thiện, gia đình trả lãi theo quy định và đã trả được 20 triệu đồng tiền gốc, hết năm nay sẽ hoàn thành trả gốc và lãi sớm hơn một năm so với thời hạn cho vay”.
Nguồn vốn chính sách tín dụng đã giúp nông dân nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, xóa nhà tạm và thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh Phan Trang
Các tin bài khác
- » Giải ngân vốn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19
- » Dư âm bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nhìn từ huyện đảo Phú Quý
- » Điểm tựa giúp hộ kinh doanh tự tin vượt qua đại dịch
- » Dốc toàn lực giúp người dân thoát nghèo
- » Mường Chà tiếp sức thanh niên phát triển kinh tế
- » Nguồn vốn chính sách giúp cựu chiến binh làm giàu
- » Nâng cao thu nhập từ nguồn vốn chính sách
- » NHCSXH tỉnh Lâm Đồng: Huy động vốn nhanh - phòng, chống dịch tốt
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Đẩy mạnh nguồn vốn cho vay ủy thác cho thanh niên