Dư âm bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nhìn từ huyện đảo Phú Quý

04/06/2021
(VBSP News) Cùng với cả nước, Bình Thuận đã khép lại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu gần như tuyệt đối 99,9%. Trong đó, huyện đảo Phú Quý kết thúc sớm với 100% cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu. Theo nhận định của các thành viên trong Hội đồng Bầu cử quốc gia, thành công này thể hiện sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân trên đảo.
Anh bai 3

Hộ vay Phạm Hữu Nhiên ở thôn Mỹ Khê, xã Tân Thanh giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ với cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Phú Quý

Niềm tin vào đại biểu dân cử 

Trò chuyện với những người dân thuộc đối tượng của NHCSXH huyện Phú Quý mới biết, đồng bào đã háo hức đi bầu cử với rất nhiều kỳ vọng vào đại diện ưu tú của mình. Cử tri Phạm Hữu Nhiên, chủ xưởng mộc mỹ nghệ ở thôn Mỹ Khê, xã Tân Thanh cho biết, đây là lần thứ ba anh được bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân trên đảo. “So với hai lần trước, lần này tôi đi bỏ phiếu với tâm thế tự tin và kỳ vọng. Bởi lẽ, nhiệm kỳ vừa qua, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ứng cử trên địa bàn đã thực hiện khá tốt trách nhiệm và lời hứa của mình với chúng tôi…”, anh Nhiên nói.

Với một huyện đảo có hơn 20,5 nghìn cử tri, trong đó hơn 50% đang hành nghề biển, đánh bắt xa bờ thì con số 100% cử tri tham gia bỏ phiếu quả là một ấn tượng!

Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Lê Hồng Lợi cho biết: Phú Quý là một trong những địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ khá nhiều. Mỗi chuyến đánh bắt của ngư dân thường kéo dài từ nửa tháng đến vài tháng là điều bình thường. Vì vậy, để người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân của mình trong việc đi bầu cử, công tác tuyên truyền, vận động cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện đảo quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng khi triển khai là cả một vấn đề. Nền tảng cơ bản nhất là cấp ủy, chính quyền và bản thân các vị đại biểu dân cử đã tạo dựng được niềm tin vững chắc với nhân dân.

Thực tế, hoạt động của các đại biểu dân cử ngày càng đi vào thực chất. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề an sinh xã hội; đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; cơ chế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội nhất là du lịch… không chỉ được các vị đại biểu kịp thời chuyển đến các cơ quan trung ương, tỉnh mà còn giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi. Nhờ đó, nhiều công trình hạ tầng kiên cố đã mọc lên như Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Phú Quý, công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Phú Quý…

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân cả nước nói chung và huyện đảo nói riêng; nhiều hoạt động giao thương, buôn bán bị ngưng trệ; các chuyến biển cũng không còn tấp nập tàu vào ra; dịch vụ du lịch bị đứt gãy hoàn toàn… nhưng người dân nơi đây vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.

Đổi thay trong nhận thức và hành động

Một điều hạnh phúc với những người làm nghề như chúng tôi là được đi, đến, nghe và chứng kiến những đổi thay của người dân trên mọi vùng miền của đất nước. Mỗi nơi, là mỗi sự thể hiện khác nhau nhưng đều có một điểm chung là càng ngày, niềm tin vào Đảng, vào chế độ càng được củng cố. Đặc biệt, vai trò của các cơ quan dân cử ngày càng quan trọng trong suy nghĩ của mỗi cử tri. Thành quả này không chỉ do chính mỗi cán bộ, đảng viên hay các vị đại biểu dân cử nỗ lực tạo dựng mà quan trọng hơn, phía sau họ là cả một hệ thống chính trị đang một lòng hành động, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình; trong đó có sự góp sức từ NHCSXH huyện Phú Quý. 

Đơn cử như đối với những người phụ nữ chỉ quen việc bếp núc, bán kính hoạt động chỉ trong trong vòng 1km như chị Phạm Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Thị Lành ở xã Tân Thanh… thì việc bầu cử trước đây là chuyện xa lạ. Vậy nhưng, kể từ khi tham gia Hội Phụ nữ, rồi được tín nhiệm là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH, chị Lành, chị Nhung đã nhận thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình với lá phiếu bầu. 

Bên cạnh đó, sự góp sức của NHCSXH giúp họ thêm vững vàng hơn trong gian khó. Chị Nguyễn Thị Lành cho hay, chưa bao giờ chị nghĩ mình lại trở thành bà chủ của mấy chục lồng bè nuôi cá. Khoát tay chỉ một dãy lồng bè trên biển, chị Lành khoe: “Tất cả là nhờ những đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Phú Quý cùng với sự động viên, hỗ trợ về mọi mặt của các cán bộ tín dụng, tôi đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH, vượt qua tự ti, mặc cảm để gây dựng cơ ngơi như hôm nay”.

Mặc dù suốt một năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, cá nuôi không bán được; việc xuất bán ra ngoài đảo không thuận lợi khiến vốn liếng bị thâm hụt khá nhiều. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của NHCSXH cho giãn nợ, khoanh nợ, chị Lành cùng những người dân huyện đảo tiền tiêu Phú Quý, bớt một phần lo lắng. 

Thực tế, đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân đảo đã phát triển một trời, một vực so với chục năm trước. Song, yếu tố then chốt chính là bước chuyển trong tư duy làm kinh tế, nhận thức về việc thực hiện chính sách, pháp luật… của người dân, tạo nên sự vượt trội của huyện đảo hôm nay.

Chị Lành, chị Nhung chỉ là hai trong số rất nhiều phụ nữ đang sinh sống trên đảo đã thay đổi hoàn toàn khi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Ở đó, các chị đã học được cách làm ăn; biết phấn đấu vươn lên và không cam chịu nghèo khó; được sống trong sự hỗ trợ của những người làm tín dụng chính sách và biết thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng thông qua việc tham gia gửi tiền tiết kiệm, lập thêm kênh giúp đỡ các hộ khó khăn… Hơn hết, họ đã hiểu thêm được quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử

Bài và ảnh Vũ Thái Bình

Các tin bài khác