Nguồn vốn chính sách giúp cựu chiến binh làm giàu
Hội Cựu chiến binh huyện Hòa An là một trong những đơn vị phối hợp hiệu quả với NHCSXH huyện quản lý vốn vay ủy thác. Hiện nay, Hội đang quản lý 53 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 62 tỷ đồng, trên 1.200 hộ vay. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hòa An Nông Đình Bùi cho biết: Hội thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tích cực tuyên truyền, thông tin công khai các chủ trương, chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi; tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng, trong đó có hội viên được tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Hoàng Văn Tư ở xóm Án Lại, xã Nguyễn Huệ là hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Thời gian đầu, ông lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Năm 2012, ông vay NHCSXH huyện Hoà An 10 triệu đồng đầu tư mua giống cây dong riềng. Nhận thấy miến dong là sản phẩm thế mạnh của địa phương nhưng bà con mới chỉ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năm 2013, ông vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng dong riềng, thành lập Hợp tác xã Miến dong Án Lại.
Với số vốn tích lũy và vốn vay NHCSXH, ông đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng gần 1.000m², mua máy móc thiết bị phục vụ dây chuyền sản xuất tinh bột dong. Hằng năm, hợp tác xã cung ứng giống, hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân cho bà con. Đến vụ thu hoạch, hợp tác xã thu mua củ dong riềng đem về nghiền thành bột, cung cấp nguyên liệu cho thành viên hợp tác xã và các hộ trong làng nghề sản xuất miến dong.
Sau khi bán sản phẩm, bà con mới phải trả tiền giống cây trồng ban đầu. Đến nay, hợp tác xã có 15 thành viên, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 60 tấn miến, sau khi trừ chi phí đạt thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Tư còn giữ vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Chi hội Cựu chiến binh xóm Án Lại với 27 tổ viên, dư nợ trên 1 tỷ đồng.
Hội Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường phối hợp với NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn và đôn đốc trả nợ được quan tâm chú trọng, các cấp Hội phát huy tốt vai trò định hướng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm phù hợp với từng địa bàn để hội viên áp dụng như: trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ… Đến nay, tổng dư nợ vốn vay tín dụng chính sách qua kênh Hội Cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đạt 482,3 tỷ đồng, thông qua 409 Tổ tiết kiệm và vay vốn 9.872 hộ vay vốn.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Thắng cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bổ sung nguồn vốn vay cho hội viên. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp Hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tồn đọng, lập hồ sơ nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan của người vay vốn. Phối hợp với NHCSXH rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung, công đoạn ủy thác để có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác trong những năm tiếp theo.
Bài và ảnh Phương Anh
Các tin bài khác
- » Nâng cao thu nhập từ nguồn vốn chính sách
- » NHCSXH tỉnh Lâm Đồng: Huy động vốn nhanh - phòng, chống dịch tốt
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Đẩy mạnh nguồn vốn cho vay ủy thác cho thanh niên
- » Văn Yên tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS
- » Đồng hành với người dân vượt qua đại dịch
- » Đồng vốn nơi đảo xa
- » Phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong nâng cao hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách
- » Đưa nhanh nguồn vốn chính sách về vùng đồi Cẩm Khê
- » Chủ động đầu tư vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác