Đồng vốn nơi đảo xa

31/05/2021
(VBSP News) Mô hình tiết kiệm gắn với hoạt động cho vay vốn chính sách đã giúp chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương đã cải thiện cuộc sống rõ rệt của người dân xã đảo.
3251_at7_Copy

Điểm giao dịch trên xã đảo Thạnh An

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh - khu vực trước đây được xem là đặc biệt khó khăn, đã khiến bao người dân trên đảo đã từng “bỏ xứ mà chạy” do thiếu điện, nước và hàng năm phải lánh nạn vì các cơn bão lớn. Mặc dù cuộc sống hôm nay chưa hẳn hết khó, nhưng ngân hàng và người dân trên đảo tiếp tục chia sẻ những cách làm ăn mới để vượt qua “cơn bão dịch” Covid-19.

Gia đình chị Mai Thị Đây, tổ 15, ấp Thạnh Hóa, xã Thạnh An có 3 nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo. Chồng của chị là lao động chính trong gia đình, hành nghề lưới cá ven bờ với chiếc ghe nhỏ 4 giàn lưới cụ đánh bắt bấp bênh theo con sóng. Khoảng 5 năm trước gia đình chị quyết định vay 9 triệu đồng của Quỹ xóa đói giảm nghèo thuộc NHCSXH huyện Cần Giờ để đầu tư nâng cấp ghe máy, giúp cho việc đánh bắt ổn định hơn, từ đó cuộc sống dần được cải thiện, trả dần nợ lãi cho ngân hàng.

Bản thân chị Đây trước kia không có việc làm, nhưng trong một đợt xã đảo tổ chức đào tạo nghề nông thôn, chị đã tham gia vào lớp học kỹ thuật nuôi hàu. Chị đã trực tiếp gặp Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trao đổi, hướng dẫn làm đơn đề nghị Quỹ xóa đói giảm nghèo cho vay bổ sung 20 triệu đồng để đầu tư nuôi hàu. Sau 2 năm đầu tiên nuôi hàu, chị đã trả hết nợ ngân hàng. Cùng thời gian đó tổ tự quản giảm nghèo khảo sát xác định gia đình chị đã thoát cận nghèo theo chuẩn đa chiều quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Ngày 01/4/2021 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 530/QĐ-TTg về việc công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh trở thành xã đảo như một cú hích để xã đảo này được đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng… Người dân trên đảo khấp khởi vui mừng vì những dự án cung cấp các dịch vụ thiết yếu nước sạch, xử lý rác thải, y tế, giáo dục… đang có cơ sở sớm trở thành hiện thực để nâng cao chất lượng sống trên đảo.

Xã đảo Thạnh An cách trung tâm huyện Cần Giờ 8km đường thủy với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000ha được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Dân số trên đảo khoảng 1.130 hộ với 4.500 người, trên 5% cư dân có thu nhập thuộc diện hộ nghèo, xã đảo có rất nhiều tiềm năng du lịch trong chiến lược phát triển thành phố về hướng biển.

Những người làm NHCSXH đến đảo rất sớm, họ là điểm tựa vươn lên thoát nghèo của người nghèo và hộ gia đình chính sách ở xã đảo Thạnh An. Cùng với việc giúp hộ nghèo và các gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của những người dân trong vùng khó khăn. NHCSXH có chức năng triển khai các chương trình tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp các hộ nghèo và cận nghèo tạo lập thói quen tiết kiệm. Từ sổ tiết kiệm mỗi tháng bình quân một hộ tiết kiệm được 30.000 - 50.000 đồng, đến nay hộ nghèo và cận nghèo ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng.

Mô hình tiết kiệm gắn với hoạt động cho vay vốn chính sách đã giúp chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương đã cải thiện cuộc sống rõ rệt của người dân xã đảo. Theo số liệu thống kê của NHCSXH huyện Cần Giờ, trong 7 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ ngân hàng triển khai trên xã đảo Thạnh An, đến nay với tổng dư nợ trên 26,696 tỷ đồng tương đương với 815 hộ gia đình đang vay vốn chiếm khoảng 72% tổng số hộ dân toàn xã Thạnh An. Theo số liệu của ngân hàng, đây là xã có chất lượng tín dụng chính sách tốt nhất của huyện Cần Giờ với nợ xấu chỉ khoảng 0,31% tương đương với 82 triệu đồng.

Trong năm 2020 xã đảo Thạnh An, có 780 hộ nghèo và cận nghèo, các gia đình chính sách vay vốn ưu đãi, nguồn tài chính này đã giúp hơn 276 hộ nghèo và cận nghèo nâng thu nhập, tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm cho 372 lao động, 18 lượt HSSV bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vay được vốn tiếp tục học tập, không phải bỏ học ngang chừng, cải tạo xây dựng mới 1.191 công trình cung cấp nước sạch vệ sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An đánh giá các chương trình tín dụng chính sách xã hội mang tới hiệu quả rõ rệt về kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách. Người nghèo và chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Vốn tín dụng chính sách còn có tác động trực tiếp đẩy lùi nạn tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Ngoài ra, vào ngày 6 hàng tháng, NHCSXH huyện mở Điểm giao dịch tại UBND xã để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh thuận lợi, tiết giảm thời gian. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm được thông tin kịp thời qua cuộc họp giao ban trực tiếp với NHCSXH để thường xuyên giám sát và minh bạch tín dụng chính sách xã hội.

Bài và ảnh Nguyễn Sơn

Các tin bài khác