Phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong nâng cao hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách
Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động
Nếu như trước đây, Phước Long là một trong những địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tăng khá cao thì trong 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã được cải thiện. Đến hết năm 2020, huyện Phước Long đạt trên 86 điểm và được xếp vào loại tốt, tăng 7,8 điểm so với năm 2019. Đặc biệt, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt trên 90%, tăng gần 3 điểm so với năm 2019; có 8/8 xã, thị trấn có tỷ lệ thu nợ đến hạn vượt so với định hướng. Chất lượng hoạt động giao dịch xã đạt trên 94 điểm, tăng 12,3 điểm so với năm 2019. Cùng với đó, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 79,6 điểm, tăng 2,9 điểm so với năm 2019. Tỷ lệ thu lãi đạt 101,7%, cao hơn 6,7% so với định hướng và tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,9%, thấp hơn 2% so với định hướng. Trong đó, có 6 xã có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%, 2 xã trên 1% đến dưới 2%…
Để đạt được kết quả này, NHCSXH huyện Phước Long đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Phước Long tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và chất lượng tín dụng, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 05 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Qua đó, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng được phát huy và đã hình thành nên những bài học, mô hình để nhân rộng.
Tích cực lãnh đạo, chỉ đạo
Một trong những địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất hiện nay của huyện Phước Long là xã Phong Thạnh Tây A. Chủ tịch UBND xã Châu Minh Đức cho biết: Nếu năm 2015, tỷ lệ nợ quá hạn của xã là 15 - 20% thì đến năm 2020 chỉ còn 0,9%. Riêng 4 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn hơn 0,4%. Bài học cho thành công này là đã huy động được trách nhiệm và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, xem việc lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng là nhiệm vụ thường xuyên. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc củng cố, nâng cao chất lượng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là các Tổ trưởng, vì đây là những người trực tiếp bình xét cho vay, thu hồi nợ.
Thời gian qua, xã Phong Thạnh Tây A cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành tốt các quy định về tín dụng, làm cho các đối tượng thụ hưởng xem chính sách tín dụng là hình thức có vay - có trả, vốn chính sách không phải là vốn cho không, do đó người vay phải thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc trả lãi và thanh toán nợ. Thường xuyên bám sát, theo dõi hàng ngày và có ngay các chỉ đạo xử lý khó khăn. Đồng thời, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và kịp thời khen thưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt, cũng như phê bình, nhắc nhở và có giải pháp nếu làm chưa tốt…
Với cách làm này, chất lượng và hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện Phước Long không ngừng được nâng lên. Giám đốc NHCSXH huyện Phước Long Trần Đăng Vịnh chia sẻ: “Phát huy những bài học và kết quả đạt được, trong năm 2021, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện theo Đề án 4811. Đồng thời, tích cực xử lý thu hồi nợ đối với nhóm nợ có khả năng trả nhưng chây ỳ. Rà soát, lập hồ sơ đối với những hộ vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ…”.
Bài và ảnh Tú Anh
Các tin bài khác
- » Đưa nhanh nguồn vốn chính sách về vùng đồi Cẩm Khê
- » Chủ động đầu tư vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch Covid-19
- » Chuyển tải kịp thời vốn chính sách trong mùa dịch Covid-19
- » Giao dịch tại Điểm giao dịch xã trong “mùa Covid”
- » Giao dịch an toàn giữa mùa dịch Covid-19
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn TP Cần Thơ
- » Đòn bẩy từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Kon Tum
- » Đồng vốn ưu đãi đồng hành cùng người nghèo Tây Giang
- » Tri Tôn thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách