Giao dịch tại Điểm giao dịch xã trong “mùa Covid”
Đảm bảo giao dịch an toàn
Khác với mọi lần, hôm nay tại Điểm giao dịch xã Lâm Đớt, những cán bộ NHCSXH huyện A Lưới có mặt sớm hơn mọi khi 15 phút để thực hiện vệ sinh, khử khuẩn khu vực Hội trưởng giao dịch trước khi chuẩn bị cho công tác giao dịch. Đồng thời sắp xếp bố trí vị trí bàn ghế theo đúng tinh thần giãn cách tối thiểu 2m với cán bộ ngân hàng, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và khách hàng giao dịch. Cuộc họp giao ban định kỳ tại phiên giao dịch cũng được thay bằng thông báo văn bản gửi đến chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Mỗi khách hàng trước khi đến giao dịch được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang trong suốt thời gian giao dịch.
Chị Ra Pát Thị Tơi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chia sẻ, trước khi đến giao dịch, chúng tôi đều tự kiểm tra sức khỏe. Theo yêu cầu của NHCSXH huyện nếu có dấu hiệu sốt, ho… sẽ ủy quyền cho Tổ phó đến giao dịch. Đồng thời, thông báo đến các thành viên trong tổ thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Những thành viên có yếu tố dịch tễ sẽ được tổ nắm và thông báo lại với cán bộ tín dụng để có thể hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động của ngân hàng và đưa ra những giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Cán bộ NHCSXH cũng thực hiện sắp xếp ghế ngồi cho khách hàng chờ giao dịch với khoảng cách hơn 2m. Trong đó, cán bộ, nhân viên tham gia giao dịch đều đeo khẩu trang, tấm chống giọt bắn, đeo găng tay, đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới Lê Quang Thắng cho biết, trước ngày giao dịch, NHCSXH huyện đã phối hợp UBND các xã nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, cụ thể các trường hợp là F1, F2, F3… để lập kế hoạch giao dịch. Đồng thời, chia thời gian giao dịch đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng, đảm bảo mỗi lượt thực hiện giao dịch không tập trung quá 10 người, kể cả trong và ngoài hội trường giao dịch tại cùng một thời điểm. Bố trí cán bộ đo thân nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn và thường xuyên nhắc nhở khách hàng cũng như bố trí chỗ ngồi cho khách hàng đến giao dịch với khoảng cách theo quy định; khử khuẩn bề mặt bàn, ghế, máy vi tính cá nhân… trước khi giao dịch. Thông báo đề nghị những người có một trong những triệu chứng (sốt, ho, khó thở, đau họng,…) không đến giao dịch.
Những giải pháp phòng dịch này được khách hàng và cả NHCSXH thực hiện nghiêm túc trong suốt thời gian phiên giao dịch tại xã Lâm Đớt. Theo quan sát, mỗi tổ thực hiện thời gian giao dịch tối đa 7 phút tùy vào số lượng hội viên. Đó cũng là giải pháp chung mà hầu hết NHCSXH các huyện đang triển khai tại các Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tăng cường các biện pháp hỗ trợ khách hàng
Bên cạnh triển khai các giải pháp cụ thể tại các buổi giao dịch xã, NHCSXH các huyện còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện tuyên truyền, thông tin cho bà con về việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh việc huy động tiền gửi, thực hiện các giao dịch bằng hình thức chuyển khoản nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng… Riêng những địa bàn đang có dịch và những vùng có nguy cơ cao, NHCSXH thực hiện dừng giao dịch theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế Trương Công Lân cho biết: Ngay từ khi xuất hiện ca dịch đầu tiên tại một số địa phương, NHCSXH tỉnh đã khởi động trở lại, chủ động đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch theo cấp độ mới, xây dựng các phương án chống dịch theo từng cấp độ tại chi nhánh tỉnh, cấp huyện và tới từng cán bộ, đặc biệt là những cán bộ giao dịch trực tiếp với các khách hàng được bố trí trực, làm việc chéo nhằm đảm bảo công tác quản lý điều hành và xây dựng phương án hỗ trợ chéo giữa các đơn vị…
Trong suốt quá trình giao dịch tại các Điểm giao dịch xã, trực tiếp từng đồng chí trong Ban Giám đốc đều theo dõi sát thông qua hệ thống camera giám sát để có yêu cầu chấn chỉnh ngay nếu lơ là trong công tác phòng, chống dịch, cũng như thực hiện các thao tác nghiệp vụ.
Cùng với việc đảm bảo giao dịch an toàn, NHCSXH các cấp cũng tăng cường nắm bắt diễn biến dịch bệnh tại địa bàn, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho khách hàng vay vốn. Kiểm tra, ký xác nhận trên danh sách khách hàng vay vốn đề nghị điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ do đang điều trị bệnh hoặc được cách ly y tế bởi dịch Covid-19 theo quy định.
Từ đầu năm 2021 đến nay, NHCXSH tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân cho 13.800 lượt khách hàng với số tiền 520 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay đạt 3.128 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách được triển khai đồng bộ, hiệu quả đến từng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phục vụ mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa ổn định và phát triển SXKD theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Bài và ảnh Hoàng Loan
Các tin bài khác
- » Chuyển tải kịp thời vốn chính sách trong mùa dịch Covid-19
- » Đưa vốn chính sách đến đồng bào DTTS
- » Động viên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
- » NHCSXH hưởng ứng “Ngày không tiền mặt” - Hướng tới các đối tượng chính sách xã hội
- » Tổng kết Cuộc thi trực tuyến “Cán bộ NHCSXH giỏi chuyên môn, hiểu biết pháp luật lao động, Luật Công đoàn”
- » Động lực giúp người dân cải thiện thu nhập
- » Nữ tổ trưởng tín dụng hết lòng vì người nghèo
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả các mô hình giảm nghèo trong đảng viên
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách