Giảm nghèo bền vững: Trao cần câu hơn trao con cá (Bài 1: Câu chuyện từ nhận thức)

09/04/2021
(VBSP News) Thiếu vốn, thiếu đất, thiếu tích lũy khoa học trong sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khó lại thêm khó. Góp phần khắc phục tình trạng này, nguồn vốn chính sách của NHCSXH tỉnh đã triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, tạo cơ hội cho sự ra đời nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Hue 1

Nhiều sản phẩm chủ lực được định hình nhờ nguồn vốn chính sách

Trao cần câu
Từ nguồn vốn ưu đãi cùng các hướng dẫn về tăng gia sản xuất, người dân, nhất là các hộ ở vùng đồng bào DTTS đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Phạm Thị Thiếp ở thôn Ta Ay Ta, xã Trung Sơn, huyện A Lưới là một điển hình. Vốn không được học hành cũng không có công ăn việc làm ổn định nên sau khi lập gia đình, cái nghèo mãi bám đuổi hai vợ chồng chị. Năm 2013, trong lần nghe đài truyền thanh huyện phát thông tin chia sẻ về nguồn vốn vay của NHCSXH, chị mới biết mình thuộc đối tượng vay vốn làm ăn phát triển kinh tế mà không cần thế chấp tài sản. Chị bàn với chồng vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện A Lưới đầu tư mua cặp bò làm giống, đầu tư thêm lợn nái để phát triển kinh tế gia đình.
Từ hai con bò ban đầu và con lợn nái mua từ vốn vay NHCSXH, năm đầu tiên chị có thêm cặp bò con và đàn lợn nuôi lấy thịt. Một số khoản chi trong gia đình nhờ đó cũng được cải thiện. Hàng tháng, chị dành dụm tiền gửi tiết kiệm để trả dần gốc, lãi; sau này nhờ đó giảm gánh nặng nợ cuối kỳ.
“Lúc trả hết vốn cho NHCSXH, gia đình tiếp tục vay vốn để tái đầu tư phát triển thêm diện tích chuối, rừng, cải thiện sinh kế. Với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng chăn nuôi”, chị Thiếp kể.
Hiện, “gia tài” của chị Thiếp không còn là mái tranh tạm bợ mà là ngôi nhà cấp 4 khang trang và đàn bò 13 con, 6ha rừng. Không chỉ thoát nghèo, chị Thiếp còn trở thành hộ khá giả của thôn, với thu nhập trung bình đạt gần 250 triệu đồng/năm và có tiền để chu cấp cho hai con ăn học đầy đủ để mang cái chữ về phục vụ thôn, bản trong tương lai.
Theo bà Hồ Thị Hiền - Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới, người từng gắn bó với các hoạt động tín dụng chính sách từ khi còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn A Lưới, người dân vùng cao trước đây có thói quen du canh, du cư nên ít khi nghĩ đến chuyện ổn định sản xuất để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức trong ổn định sản xuất được định hình, các nguồn vốn cũng chuyển dần từ phương thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ sinh kế như: đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm; cho vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Sự thay đổi đó đã tác động tích cực đến người dân, thúc đẩy họ chủ động, nỗ lực, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác giảm nghèo.
Đến hành động
Việc định hình nhiều sản phẩm OCOP với sự đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách mà điển hình là cây cam Nam Đông. Từ chỗ chỉ trồng tự phát và tùy hứng ở vườn nhà, nhờ chính sách cho vay, hỗ trợ của NHCSXH và các tổ chức tín dụng khác, sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ mà người dân nghèo nơi đây đã mở rộng diện tích phát triển cây cam thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu…
Đến nay, Nam Đông đã có hơn 210ha cam, năng suất bình quân đạt 170 tạ/ha, sản lượng từ 70.000 - 100.000 tấn/năm. Phương pháp chăm sóc lạc hậu cũng nhường chỗ cho quy trình trồng cam tiên tiến, bảo đảm thương hiệu. Nhiều hộ đổi đời từ cây cam, với thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện nhờ đó cũng giảm mạnh xuống còn 4,6%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Dương Thanh Phước khẳng định: Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo sự chuyển dịch trong kinh tế. Huyện cũng đầu tư một nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung thêm kinh phí cho người dân vay, định hình các sản phẩm chủ lực địa phương như cam Nam Đông, chuối đặc sản…
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn. Trong đó, tập trung ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và tập sự làm ăn có hiệu quả. Nguồn vốn này cũng giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp đồng bào DTTS dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội…
Hiện, tổng nguồn vốn tín dụng tại NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng; doanh số cho vay trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay là 5.400 tỷ đồng, với hơn 175 nghìn lượt khách hàng được vay vốn.

Bài và ảnh Hoàng Loan

Các tin bài khác