Hiệu quả tín dụng chính sách ở Gia Bình

06/04/2021
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
bac ninh

Mô hình nuôi chim bồ câu được hình thành và phát triển từ nguồn vốn ưu đãi

Chị Phạm Thị Thuận ở thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng là một trong những nông dân phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách. Chị Thuận chia sẻ: Cách đây hơn chục năm, gia định chị từng là một hộ nghèo của địa phương, thông qua Hội Phụ nữ xã Nhân Thắng, chị được vay 10 triệu đồng vốn chính sách để phát triển kinh tế, lấy ngắn nuôi dài, thâm canh gối vụ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn, nuôi gà rồi dần thoát nghèo. Gia đình lại tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, chị mở rộng quy mô, thuê hơn 2 mẫu đất để đào 6 sào ao thả cá, còn lại xây hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô khoảng 1.500 con/ lứa, mỗi năm 3 lứa… Đến nay trang trại mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi năm, đời sống được cải thiện.
Còn gia đình chị Trịnh Thị Nụ ở thôn Xuân Lai, vốn gắn bó với đồng ruộng và chăn nuôi lợn, gà. Sau khi được NHCSXH huyện cho vay vốn giải quyết việc làm, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển sang nuôi chim bồ câu sinh sản. Với 400 cặp chim câu; trung bình mỗi tháng gia đình xuất khoảng 150 đôi chim bồ câu thương phẩm, thu lãi khoảng 9 - 10 triệu đồng.  Chị Nụ chia sẻ: “Gia đình tôi được tiếp cận  nguồn vốn của NHCSXH khá thuận lợi, lãi suất ưu đãi, thời gian vay hợp lý nên đồng vốn đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế gia đình”.
Những năm qua, nhằm phát huy vai trò là một trong những kênh tín dụng quan trọng, được coi là “bà đỡ” cho hộ nghèo, gia đình chính sách… trong việc giảm nghèo và tạo công ăn việc làm, NHCSXH huyện Gia Bình đã bám sát các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của huyện phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai nhiều công việc trọng tâm, đem lại hiệu quả thiết thực.
Giám đốc NHCSXH huyện Gia Bình Nguyễn Anh Tuấn cho biết: NHCSXH huyện đã thành lập 14/14 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn nhằm đưa ngân hàng phục vụ gần dân nhất, giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại và an toàn trong giao dịch. Khi các khách hàng có nhu cầu vay vốn, NHCSXH huyện cùng cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, bình xét, lựa chọn đúng đối tượng đủ điều kiện. Đồng thời tư vấn, định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay. Trong quá trình các đối tượng vay vốn, NHCSXH huyện và các hội, đoàn thể tiếp tục kiểm tra, giám sát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng được giải ngân kịp thời, đúng người, đúng đối tượng. Chất lượng tín dụng được bảo đảm. Hàng năm, tỷ lệ nợ quá hạn 0,16%, tỷ lệ thu lãi hàng năm luôn đạt trên 99%.
Tổng dư nợ đến hết tháng 6/2020 đạt hơn 335 tỷ đồng với gần 11.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, tăng hơn 101 tỷ đồng so với năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng đạt 43,3%. Trong đó, doanh số cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 134,860 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt gần 114,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm trên 32 tỷ đồng; cho vay HSSV đạt gần 13,2 tỷ đồng; phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp trên 26,5 tỷ đồng… Từ nguồn vốn chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 1.459 lao động; giúp 4.590 hộ nghèo thoát nghèo; 1.023 lượt HSSV được hỗ trợ kinh phí phục vụ nhu cầu học tập; 10.285 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường được xây dựng…
Có thể thấy nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn là tiền đề để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khởi tạo tư duy với hệ thống tín dụng, tài chính và môi trường kinh tế hàng hóa  thị trường. Đã có nhiều hộ SXKD giỏi, nhiều mô hình kinh tế trang trại được ra đời từ nguồn vốn vay ưu đãi.  Đặc biệt  có hơn 80% số hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đã duy trì cuộc sống ổn định, thu nhập tăng…Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2019 còn 1,62%.  
Ngoài ra, thực hiện việc ủy thác nguồn vốn ưu đãi, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã có nhiều nội dung phong phú, thực sự là cầu nối, là công cụ quản lý, giám sát tín dụng ưu đãi của Đảng ở nông thôn góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, xóa đói giảm nghèo, tạo sự ổn định xã hội và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Lê Loan

Các tin bài khác