Bắc Giang: Tăng trưởng đi liền với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

07/11/2020
(VBSP News) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 lan rộng từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang vẫn chủ động bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành và địa phương, tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách giúp dân giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống.
bac giang

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu

Đến 31/8/2020, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Bắc Giang đạt 1.112 tỷ đồng với 25.309 khách hàng vay vốn và mức vay bình quân đạt 44 triệu đồng/hộ, nâng tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh lên gần 4.600 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so với 31/12/2019, hoàn thành 94% kế hoạch năm. Nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 140 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,06%/tổng dư nợ.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gần 25 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, bộ mặt nông thôn được cải thiện….Trong đó, hơn 11 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn, hơn 4 nghìn hộ vay vốn chương trình hộ SXKD vùng khó khăn, trên 17 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng mới và cải tạo, hỗ trợ xây mới, 225 căn nhà cho hộ nghèo được sửa chữa, 141 căn nhà ở xã hội được xây dựng…
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,23%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn và huyện 30a giảm đến 4 - 5% năm, vượt cao hơn kết quả cả nước.
Gia đình bà Hồ Thị Linh ở thôn Mỏ, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng chương trình SXKD vùng khó khăn để phủ xanh 2ha đồi trọc bằng cây keo lá chàm, mang lại nguồn thu nhập kha khá. Do tuân thủ đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ huyện, đến nay, rừng cây cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó gia đình bà còn được hỗ trợ kinh phí để xây dựng, cải tạo nhà ở theo Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn nên đã giúp gia đình bà thoát hết nghèo.
Cũng như gia đình bà Linh, gia đình ông Chu Xuân Tuyên, dân tộc Tày ở xã Yên Định đã thoát nghèo nhờ vốn chính sách. Trước năm 2018, gia đình eo hẹp, quy mô chăn nuôi ong nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn. Thế nhưng, năm 2018, ông Tuyên được NHCSXH huyện hỗ trợ vay vốn, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn ong. Ngay khi năm đầu tiên phát triển đàn ong, ông thu được 200 lít mật. Năm 2019, đàn ong đã mang lại cho gia đình ông hơn 300 lít mật.
Với giá bán 150 nghìn đồng/lít, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo. Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong của ông Tuyên được thương lái đến tận nhà thu mua nên thu nhập từ mật ong tăng lên đáng kể.
Giám đốc NHCSHX tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát cho biết: Thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã chú trọng nâng cao toàn diện chất lượng tín dụng, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ đi khỏi nơi cư trú, lãi tồn đọng. Đồng thời, thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay: tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, thiết lập hồ sơ đúng quy định, kiểm tra sử dụng vốn cho vay kịp thời.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động giao dịch xã, các giải pháp điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung, xử lý nợ rủi ro và các giải pháp khác nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid -19 gây ra.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm SXKD đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ nay đến hết năm 2020, NHCSXH tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, phấn đấu mức tăng trưởng đạt từ 8 - 10%, tương đương 345 tỷ đồng.

Đông Dư

Các tin bài khác